Kinh tế Nga trong nhiệm kỳ mới của Tổng thống Putin

Trong vòng hai năm, kể từ khi xung đột Nga-Ukraine diễn ra vào tháng 2/2022, Nga đã vượt qua cả Iran và Triều Tiên, trở thành quốc gia bị áp đặt nhiều lệnh trừng phạt nhất trên thế giới với hơn 15.000 lệnh trừng phạt do các quốc gia phương Tây áp đặt. Tuy nhiên, ngay cả trong tình huống khó khăn đó, nền kinh tế Nga vẫn đứng vững, thậm chí còn đạt kết quả gây ngạc nhiên cho giới quan sát.

Chú thích ảnh
Vận chuyển hàng hóa tại cảng ở Saint Petersburg, Nga. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Theo nhiều ước tính, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga trong năm 2023 đạt 3,6%, sau khi sụt giảm 1,2% vào năm 2022. Đây là mức tăng trưởng cao hơn hầu hết dự báo mà các tổ chức tài chính quốc tế, các cơ quan quản lý Nga và các nhà kinh tế học đưa ra trước đó. Thậm chí, nó còn cao hơn ước tính tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2,6% trong năm 2023 mà Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố.

Tỷ lệ thất nghiệp trung bình hàng năm của Nga vào cuối năm 2023 là 3,2% - mức thấp nhất kể từ năm 1992, thời điểm bắt đầu thống kê chỉ số này. Hơn nữa, tỷ lệ người Nga sống dưới mức nghèo khổ lần đầu tiên đã giảm xuống 9,8% kể từ năm 1992.

Những tín hiệu kinh tế khả quan này đã trở thành yếu tố chính hỗ trợ cho thắng lợi thuyết phục của đương kim Tổng thống Vladimir Putin trong cuộc bầu cử tổng thống kéo dài từ 15-17/3 vừa qua. Ông Putin đã giành được hơn 87% phiếu ủng hộ - mức cao nhất trong lịch sử nước Nga hiện đại.

Với việc tiếp tục đảm nhiệm vị trí Tổng thống, ông Putin sẽ lãnh đạo nước Nga thêm một nhiệm kỳ sáu năm nữa. Ông sẽ đưa ra các định hướng phát triển đất nước, bao gồm tăng trưởng kinh tế.

Trong bối cảnh hiện nay, ngành công nghiệp quốc phòng sẽ chiếm tỷ trọng lớn. Trong năm 2023, ngành này đã chiếm tới 1/3 tăng trưởng của nền kinh tế Nga, và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Tại Thông điệp Liên bang được Tổng thống Putin đọc trước Quốc hội vào cuối tháng 2/2024, ông Putin đã nhấn mạnh tới yếu tố chủ quyền của nền kinh tế trước áp lực của các lệnh trừng phạt. Nga sẽ tăng cường đầu tư vào nghiên cứu khoa học, tăng tỷ trọng sản phẩm và dịch vụ công nghệ cao trên thị trường nội địa, khởi động năm dự án quốc gia đầy tham vọng, bao gồm “Gia đình”, “Cuộc sống lâu dài và năng động”, “Nhân sự”, “Kinh tế dữ liệu” và “Thanh niên Nga”. Đây được xem là chìa khóa giúp Nga củng cố sự ổn định trước áp lực trừng phạt.

Trong chủ quyền về kinh tế, chủ quyền về công nghệ được Nga coi là định hướng tương lai, là yếu tố giúp phát triển nền kinh tế bền vững. Chính phủ Nga dự kiến sẽ chi 12.000 tỷ ruble (hơn 130 tỷ USD) để đầu tư cho 12 “siêu” dự án về công nghệ kể từ năm 2025, nhằm thay thế nhập khẩu. Những dự án này bao gồm: “Đảm bảo an ninh lương thực”, “Chế tạo máy công cụ và kỹ thuật robot”, “Công nghệ y học mới”, “Vật liệu và hóa học mới”, “Phát triển máy bay không người lái”, “Vi điện tử”, “Hàng không dân dụng”, “Phát triển ngành công nghiệp vũ trụ”, “Sản xuất tàu và thiết bị tàu thủy”, “Khoa học và trường đại học”, “Kinh tế dữ liệu” và “Nguyên tử và nguồn năng lượng mới”.

Đối với cơ cấu nền kinh tế mà Chính phủ Nga đang hướng tới, tỷ trọng xuất khẩu sẽ giảm xuống, nhường chỗ cho những nỗ lực đảm bảo nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, ngoại thương vẫn sẽ là một lĩnh vực quan trọng để đảm bảo ổn định cho nền kinh tế Nga, vốn từ trước đến nay phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu khoáng sản.

Tổng thống Putin cho biết sẽ nỗ lực thúc đẩy hợp tác với tất cả các quốc gia thân thiện trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi và tôn trọng lợi ích của nhau, trong đó Trung Quốc, Ấn Độ đang là những đối tác quan trọng nhất; thông qua các cơ chế hợp tác quốc tế mà Nga có “tiếng nói” như Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU), Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) để thúc đẩy thiết lập các chuỗi cung ứng, cơ chế hợp tác thương mại quốc tế phi phương Tây, trước hết là trong nhóm BRICS, nơi Nga hiện đang giữ vai trò Chủ tịch trong năm 2024.

Trong quá trình thực hiện các mục tiêu nói trên, nền kinh tế Nga sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức. Nền kinh tế Nga trong nhiệm kỳ mới của ông Putin phải đối mặt với giá hàng hóa, dịch vụ vẫn tiếp tục tăng và chưa có dấu hiệu đi xuống, trong khi thâm hụt ngân sách do hoạt động quân sự đã vượt quá 3.000 tỷ ruble trong năm thứ hai liên tiếp.

Một trong những lý do cho sự tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 là việc Nhà nước bơm một lượng tiền lớn ra thị trường, bao gồm một lượng đáng kể phục vụ nhu cầu quốc phòng và thanh toán cho những người tham gia Chiến dịch quân sự đặc biệt.

Mặt trái của biện pháp này là gây ra lạm phát cao, ước tính cuối năm 2023 đạt 7,44%, cao gần gấp đôi mức mục tiêu mà Ngân hàng Trung ương Nga vẫn thường nêu ra là khoảng 4%, trong khi các nhà phân tích ước tính lạm phát tiêu dùng ở mức 20%. Chỉ số này lại càng được thúc đẩy bởi mức tăng lương kỷ lục khi các doanh nghiệp săn lùng công nhân trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục.

Theo kết quả khảo sát 500 nhà quản lý doanh nghiệp lớn, các nhà phân tích tại Aktion Finance tin rằng gần 80% công ty Nga có kế hoạch tăng giá hàng hóa và dịch vụ vào năm 2024.

Về hợp tác quốc tế, khó khăn đáng kể nhất sẽ là sự không ổn định của tỷ giá hối đoái, cũng như áp lực trừng phạt thứ cấp của phương Tây. Các chuyên gia kinh tế đều nhận định tỷ giá hối đoái khó có thể dự báo nếu nhà nước buông lỏng can thiệp.

Hiệu quả của các nỗ lực điều hành kinh tế của chính quyền Nga trong thời gian tới sẽ ảnh hưởng đáng kể tới lợi ích chiến lược của Nga. Trong ngắn hạn, các cơ quan chức năng của Nga như Ngân hàng Trung ương, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục can thiệp tích cực để duy trì ổn định vĩ mô nền kinh tế trước các áp lực trừng phạt, đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp tư nhân, vừa và nhỏ của Nga chiếm lĩnh các ngách thị trường mà các doanh nghiệp phương Tây đã bỏ lại, tái cơ cấu nguồn thu ngân sách nhằm phục vụ các dự án quốc gia mà Tổng thống Putin đã cam kết trong thông điệp Liên bang.

Về dài hạn, chính quyền Nga sẽ phải thực thi chính sách cân bằng, đồng bộ và phù hợp giữa việc vận hành chiến dịch quân sự đặc biệt với điều hành kinh tế. Nếu không, sau khi cuộc xung đột kết thúc, những yếu tố tích cực được nêu ở trên sẽ trở thành các điểm kìm hãm nền kinh tế Nga, do cơ cấu nền kinh tế không chuyển đổi kịp thời, do vẫn phải trả lương cao cho người lao động…

Quang Vinh (PV TTXVN tại Moskva)
'Nỗi đau' của phương Tây trong lĩnh vực điện hạt nhân vì phụ thuộc vào Nga
'Nỗi đau' của phương Tây trong lĩnh vực điện hạt nhân vì phụ thuộc vào Nga

Mỹ lo ngại rằng nếu tình hình không thay đổi, Nga không chỉ có nguồn thu vững chắc giúp duy trì xung đột ở Ukraine mà còn sử dụng nguồn cung cấp nhiên liệu hạt nhân làm "vũ khí ngoại giao".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN