Kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng mạnh

Kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng mạnh hơn trong quí IV/2011. Cùng với đó, Bộ Lao động Mỹ vừa công bố báo cáo cho biết trong tháng 11/2011, nền kinh tế nước này đã tạo được 120.000 việc làm, đưa tỷ lệ thất nghiệp từ 9% xuống còn 8,6%, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2009.

Kinh tế tăng trưởng mạnh

Các nhà máy tại Mỹ đã vượt qua những yếu kém của nền kinh tế toàn cầu trong tháng 11, khi các hoạt động chế tạo tăng lên mức cao nhất trong vòng 5 tháng qua, một dấu hiệu mới cho thấy kinh tế Mỹ có thể sẽ tăng tốc vào cuối năm. Viện Quản lý nguồn cung của Mỹ cho biết chỉ số hoạt động của các nhà máy đã tăng từ 50,8 điểm của tháng 10 lên 52,7 điểm, vượt cả mức dự báo 51,5 điểm của các nhà kinh tế. Một tin vui khác đến với kinh tế Mỹ là theo Bộ Thương mại nước này, mức chi tiêu cho xây dựng tăng 0,8% trong tháng 10, lên 798,53 tỷ USD.

Ngoài ra, số liệu về chi tiêu tiêu dùng và tạo việc làm trong khu vực tư cũng làm gia tăng sự lạc quan về tăng trưởng kinh tế. So với nửa đầu năm ảm đạm, tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ tăng hơn gấp đôi trong quý III, lên 2%. Các nhà kinh tế tin rằng hoạt động kinh tế sẽ tăng trưởng mạnh hơn trong quý cuối cùng của năm. Người tiêu dùng Mỹ dường như đã đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế vào đầu mùa mua sắm với tổng doanh thu bán lẻ trong tháng 11 đã đạt 52,4 tỷ USD, so với mức 45 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái, mặc dù các nhà kinh tế cảnh báo rằng thu nhập kém có thể buộc họ quay lại mức chi tiêu trước đây.

Trong khi các nhà kinh tế vẫn dự báo về nguy cơ kinh tế Mỹ suy thoái vào năm tới, đặc biệt nếu các nhà hoạch định chính sách cho phép ngừng chương trình trợ cấp thất nghiệp đã được gia hạn và chương trình cắt giảm thuế thu nhập vào cuối năm nay. Thêm vào đó, cuộc khủng hoảng nợ ở khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) cũng có thể làm chệch hướng hồi phục kinh tế từ cuộc suy thoái sâu 2007-2009, đã khiến tỷ lệ thất nghiệp Mỹ đứng ở mức cao, khoảng 9%.

Đẩy lùi nạn thất nghiệp

Bộ Lao động Mỹ vừa công bố báo cáo cho biết, trong tháng 11/2011, nền kinh tế nước này đã tạo được 120.000 việc làm, đưa tỷ lệ thất nghiệp từ 9% xuống còn 8,6%, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2009. Tuy nhiên, mức giảm này chủ yếu là do có nhiều người rời khỏi lực lượng lao động, từ bỏ các nỗ lực tìm việc làm. Trong khi đó, số lượng việc làm tạo thêm trong tháng vẫn còn ít ỏi và được giới chuyên gia đánh giá là chưa đủ để thúc đẩy sự phục hồi của thị trường lao động.

Những người tìm việc làm (trái) tại hội chợ việc làm ở Portland, Oregon, ngày 2/12.   Ảnh:  AFP/TTXVN

Báo cáo của Bộ Lao động cũng cho thấy xu hướng tương đối ổn định trong ít nhất ba tháng qua của thị trường. Các con số đã điều chỉnh của tháng 9 và 10 cho thấy lượng việc làm thực tạo ra cao hơn con số báo cáo ban đầu là 72.000 việc làm. Nhiều chuyên gia cho rằng kinh tế Mỹ đang tiếp tục đi đúng hướng. Song, tiêu chí cao nhất để đánh giá sự ổn định của xu hướng phục hồi kinh tế là tạo đủ việc làm, nhằm tạo tăng trưởng dựa trên tiêu dùng. Với tiêu chí đó thì con số 120.000 việc làm mới của tháng vừa rồi chưa được coi là đủ. Cho đến nay, các số liệu từ sản xuất công nghiệp tới bán lẻ cho thấy kinh tế Mỹ có thể đạt mức tăng trưởng 3% trong quý IV/2011, cao hơn so với quý III/2011. Trong khi đó, phần còn lại của thế giới đang tăng trưởng chậm lại, đặc biệt là khu vực đồng euro có dấu hiệu rơi vào suy thoái.

Giới chuyên gia nhận định rằng báo cáo mới của Bộ Lao động Mỹ có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang (FED) nới lỏng thêm chính sách tiền tệ. Trong các dự báo được công bố trước đó, FED cho rằng tỷ lệ thất nghiệp sẽ dao động trong khoảng 9 đến 9,1% trong quý IV/2011 và khó có khả năng giảm xuống 8,5%-8,7% cho đến cuối năm 2012.

Hải Yến - Đỗ Thúy

Nước Mỹ có được lợi nếu đồng nhân dân tệ tăng giá?
Nước Mỹ có được lợi nếu đồng nhân dân tệ tăng giá?

Một cú tăng giá mạnh đồng nhân dân tệ (NDT) có thể giúp giảm 1/3 thâm hụt ngân sách của Mỹ và tạo ra số việc làm có thể giúp hạ thấp tỷ lệ thất nghiệp hiện đang cao ngất ngưởng 9,1%.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN