Kim ngạch thương mại giữa Nga và quốc gia láng giềng khăng khít của Mỹ cao kỷ lục

Bất chấp chiến dịch trừng phạt tăng cường của Mỹ và đồng minh nhằm bóp nghẹt hầu hết hoạt động thương mại của Nga, Moskva không chỉ tái định hướng thành công hoạt động xuất khẩu ra khỏi phương Tây mà còn bắt đầu giành được các thị trường mà phương Tây đã đánh mất.

Chú thích ảnh
Thép chiếm khoảng 51% giá trị hàng hóa Nga nhập khẩu vào Mexico. Ảnh: Sputnik

Dẫn số liệu thống kê chính thức của Viện Thống kê và Địa lý Quốc gia Mexico (INEGI), kim ngạch thương mại của Nga với quốc gia Bắc Mỹ đã đạt mức cao kỷ lục mới.

Theo dữ liệu, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã tăng 17% so với cùng kỳ trong tháng 6, đạt tổng cộng 324 triệu USD, mức cao nhất từng được ghi nhận. Hàng nhập khẩu Nga vào Mexico chiếm 322 triệu USD trong tổng kim ngạch, trong đó xuất khẩu hàng Mexico sang Nga chiếm khoảng 2 triệu USD.

Mặc dù chi tiết hàng hoá nhập khẩu không được công bố nhưng theo dữ liệu của Liên hợp quốc, thép chiếm khoảng 51% giá trị hàng hóa Nga nhập khẩu vào Mexico, phân bón chiếm 31%. Nhôm, máy móc, gỗ và sản phẩm gỗ chiếm lần lượt là 5, 0,9 và 0,65%. Về phần mình, Nga nhập khẩu cà phê, trà, gia vị và nhiều loại đồ uống, cả có cồn và không cồn, từ Mexico.

Tổng thương mại giữa Nga và Mexico trong nửa đầu năm 2023 đạt 1,25 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Nga sang quốc gia Bắc Mỹ này chiếm khoảng 1,22 tỷ USD trong tổng kim ngạch.

Mặc dù thành tích vẫn còn khiêm tốn so với kim ngạch thương mại của Nga với một số nước láng giềng song dữ liệu thương mại với Mexico nêu bật xu hướng thúc đẩy mạnh mẽ của Nga trong hơn một năm rưỡi qua nhằm định hướng lại các mối quan hệ thương mại từ các quốc gia phương Tây sang các nước đang phát triển. Trước các lệnh trừng phạt của phương Tây và nỗ lực cắt giảm thương mại với Moskva, Nga đã định hướng lại phần lớn xuất khẩu dầu và khí đốt sang các thị trường lớn khác như Trung Quốc và Ấn Độ, nỗ lực tăng xuất khẩu lúa mì, các loại ngũ cốc khác và phân bón sang các nước đang phát triển, đồng thời chuyển sang hàng hoá Trung Quốc để lấp khoảng trống trên thị trường hàng tiêu dùng cũng như các sản phẩm và linh kiện công nghệ cao trong bối cảnh hàng chục nước phương Tây rời khỏi thị trường Nga.

Mexico không phải là nền kinh tế Mỹ Latinh lớn duy nhất mà Nga tăng cường thương mại trong năm nay. Tuần trước, dữ liệu từ Viện Địa lý và Thống kê Brazil cho thấy Brasilia đã tăng cường đáng kể việc nhập khẩu lúa mì của Nga đến mức Nga lần đầu tiên trở thành một trong năm nguồn cung cấp ngũ cốc hàng đầu cho quốc gia Mỹ Latinh này.

Đồng thời với việc Moskva tăng cường quan hệ thương mại và thị phần với các nước không thuộc phương Tây lên mức cao mới chưa từng có, Mỹ và châu Âu dần dần nhận ra rằng họ không thể thay thế các nguồn tài nguyên của Nga. Mỹ tích trữ urani của Nga. Khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga nhập khẩu vào châu Âu tăng vọt khoảng 40% so với mức trước năm 2022. Văn phòng Thống kê Liên bang Đức tiết lộ rằng Berlin đã âm thầm tăng cường mua phân bón của Nga hơn 300% trong năm qua, từ 38.500 tấn vào tháng 7/2022 lên 167.000 tấn vào tháng 7/2023.

Theo một báo cáo của Viện Kinh tế Thế giới Kiel, Nga “dường như đang tái gia nhập thương mại thế giới”, viện dẫn mức độ hoạt động cao tại ba cảng lớn nhất của đất nước, bao gồm St. Petersburg, Novorossiysk và Vladivostok. Một trong những tác giả của báo cáo viết: “Điều này xảy ra bất chấp các lệnh trừng phạt do các quốc gia phương Tây áp đặt và giá trị đồng ruble sụt giảm”.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo Sputnik)
Triều Tiên nối lại chuyến bay thương mại với Nga
Triều Tiên nối lại chuyến bay thương mại với Nga

Ngày 25/8, một chuyến bay do Air Koryo, hãng hàng không quốc gia của Triều Tiên khai thác, đã đến thành phố Vladivostok thuộc vùng viễn Đông của Nga. Đây là chuyến bay thương mại giữa hai nước sau hơn 3 năm gián đoạn vì đại dịch Covid-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN