Khủng hoảng Ukraine khó ngăn Trung Quốc trở thành nền kinh tế đứng đầu thế giới

Theo một cố vấn cấp cao của Bắc Kinh, cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine sẽ không thể ngăn cản nỗ lực vượt Mỹ của Trung Quốc để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2030.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: AP

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine diễn ra vào thời điểm áp lực kinh tế suy giảm nhưng căng thẳng giữa Trung Quốc với các cường quốc phương Tây lại leo thang, cùng với đó là sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu do đại dịch COVID-19 gây ra.

Song ông Justin Lin Yifu, cựu Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, hiện là Giáo sư tại Đại học Bắc Kinh, cho rằng: “Tôi khá tin tưởng vào dự đoán của mình rằng Trung Quốc sẽ vượt Mỹ vào năm 2030. Xung đột Nga-Ukraine sẽ tác động đến Trung Quốc, nhưng nó cũng ảnh hưởng đến Mỹ. Tất cả các quốc gia sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm hơn”.

Washington và các đồng minh đã thúc đẩy các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, bao gồm loại trừ các ngân hàng Nga ra khỏi hệ thống giao dịch tài chính SWIFT. Bên cạnh đó, họ cũng đang cân nhắc việc cắt giảm nhập khẩu năng lượng của Nga.

Vào hôm 7/3, giá dầu thô Brent đã tăng lên mức cao nhất trong 13 năm, đạt mốc 139 USD/thùng. Điều này tạo ra những bất ổn lớn đối với nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, Giáo sư Lin tin rằng lạm phát của Trung Quốc sẽ không tăng nhanh bất chấp tình trạng giá dầu và lương thực ngày càng leo thang.

Hôm 5/3, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã đặt mục tiêu tăng trưởng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc ở mức khoảng 3% trong năm 2022. Nước này dự kiến mức CPI vào tháng 2 sẽ không thay đổi ở mức tăng trưởng 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái. “Chúng tôi hy vọng xung đột sẽ sớm kết thúc. Điều này sẽ giúp giảm bớt những tác động tiêu cực đến nền kinh tế Trung Quốc”, ông Lin nói trong phiên họp đang diễn ra ở Bắc Kinh.

Tuy nhiên, một dấu hiệu không chắc chắn đã len lỏi vào thị trường trái phiếu Trung Quốc khi các nhà đầu tư nước ngoài có những động thái hiếm hoi bán tháo trái phiếu Trung Quốc. Nhiều nhà đầu tư đã cắt giảm lượng nắm giữ trái phiếu từ 10,6 tỷ USD vào tháng trước lên 580 tỷ USD, bất chấp tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ so với đồng USD tiến đến gần mức cao nhất trong 4 năm.

Chú thích ảnh
Ông Justin Lin Yifu, cựu Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới, hiện là Giáo sư tại Đại học Bắc Kinh. Ảnh: SCMP

Bất chấp những tác động đó, ông Lin vẫn tin tưởng mạnh mẽ rằng Trung Quốc có tiềm năng duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm là 8% cho đến năm 2035. Ông cũng là người ủng hộ việc nhà nước đóng vai trò tích cực trong quy hoạch công nghiệp nhằm giúp các nước đang phát triển nhanh chóng bắt kịp các nền kinh tế tiên tiến.

Bắc Kinh đã đặt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 5,5% trong năm 2022, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng thực tế là 5,1% trong hai năm qua. Mục tiêu tăng trưởng trên cũng nhanh hơn đáng kể so với dự báo tăng trưởng 4,8% của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Dựa trên ước tính tăng trưởng kinh tế đầy tham vọng của mình, ông Lin cho rằng Trung Quốc sẽ đảm bảo tăng trưởng ít nhất 2-3 điểm phần trăm so với Mỹ trong những năm tới. Ông nói: “Trung Quốc rất có tiềm năng phát triển các lĩnh vực truyền thống của mình. Là quốc gia đông dân nhất thế giới, Trung Quốc cũng có lợi thế với một thị trường nội địa rộng lớn hơn”. Ngoài ra, trong lĩnh vực kinh tế mới, Trung Quốc cũng được hưởng lợi thế với khả năng bứt tốc mạnh mẽ.

Trung tâm Nghiên cứu Phát triển của Hội đồng Nhà nước, tổ chức tư vấn của chính phủ, trước đây đã ước tính rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Mỹ vào khoảng năm 2032. Năm ngoái, nền kinh tế Trung Quốc đã đạt 3/4 quy mô của nền kinh tế Mỹ. Nước này đã được coi là đối thủ chiến lược trước những nỗ lực cạnh tranh công nghệ và chia rẽ kinh tế ngày càng gia tăng của Washington.

Giáo sư Lin cáo buộc Mỹ đã lợi dụng cơ sở hạ tầng tài chính toàn cầu - bao gồm Swift và hệ thống đồng USD - để làm công cụ trừng phạt, đây là mối đe dọa mà Trung Quốc từng phải đối mặt vào năm 2019. Ông cho rẳng: “Kinh doanh và chính trị cần phải tách biệt. Nếu không, điều đó sẽ mang lại những cú sốc cho hệ thống tài chính quốc tế”.

Trước mối đe dọa này, Bắc Kinh đã tăng cường xây dựng hệ thống thanh toán và quyết toán xuyên biên giới bằng đồng nhân dân tệ. Đồng thời, nước này cũng tiếp tục thúc đẩy việc sử dụng đồng tiền Trung Quốc ở nước ngoài nhiều hơn.

Song chuyên gia Lin cho rằng việc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ cần phù hợp với sức mạnh kinh tế đang đi lên của Trung Quốc. Song dù quy mô nền kinh tế có vượt trội, vẫn chưa thể đảm bảo đồng nhân dân tệ sẽ thay thế được đồng USD. “Đó là một quá trình lâu dài”, ông nhấn mạnh.

Hải Vân/Báo Tin tức
Trung Quốc tính mua cổ phần trong các công ty dầu mỏ, hàng hóa của Nga
Trung Quốc tính mua cổ phần trong các công ty dầu mỏ, hàng hóa của Nga

Bất kỳ thỏa thuận nào cũng giúp Trung Quốc tăng cường nhập khẩu từ Nga trong bối cảnh Bắc Kinh tập trung vào an ninh năng lượng và an ninh lương thực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN