Khủng hoảng ‘tinh binh’ ở Pháp làm khó các cặp đồng tính nữ

Pháp không cho phép nhập khẩu tinh trùng từ nước ngoài, và do luật pháp cấm bán "tinh binh" để lấy tiền, nên nước này đang chật vật để có đủ nguồn cung cấp nội địa.

Chú thích ảnh
Cặp đôi đồng tính Aurore Foursy và Julie Ligot. Ảnh: CNN

Aurore Foursy là một nhà hoạt động LGBT lâu dài, còn Julie Ligot làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Hai cô đều ở độ tuổi 30 và muốn có con. Họ nhanh chóng dọn đến ở cùng nhau, dành căn phòng thứ hai cho đứa con mong đợi và mua sẵn một cái cũi. 

Nhờ một sắc lệnh được Bộ trưởng Y tế Pháp ký giữa tuần qua, ước mơ của cặp đôi cuối cùng đã có thể trở thành hiện thực. Một đạo luật được thông qua vào tháng 6, hợp pháp hóa các phương pháp điều trị sinh sản cho các cặp đồng tính nữ và phụ nữ độc thân, hiện đã có hiệu lực.

Foursy nói: “Đó là một bước tiến lớn của Pháp. Chúng tôi đã đấu tranh từ rất lâu cho quyền này."

Pháp hiện nằm trong số 13 quốc gia ở châu Âu - 11 quốc gia thành viên EU cùng với Anh và Iceland - cung cấp dịch vụ điều trị khả năng sinh sản cho cả phụ nữ đồng tính nữ và độc thân. Các phòng khám sinh sản đang trông đợi nhu cầu tăng vọt. Laurence Pavie, quản lý tại trung tâm sản khoa Diaconesses Croix Saint-Simon ở Paris, cho biết: “Chúng tôi đang mong đợi thêm 200 bệnh nhân mỗi năm. Thế giới cần biết rằng các cặp đồng tính nữ và phụ nữ độc thân được chào đón nhiều nhất. Chúng tôi sẽ cố gắng cung cấp cho họ dịch vụ tốt nhất có thể".

Đầu tháng 9 này, Bộ Y tế Pháp đã công bố chi thêm 9,3 triệu USD cho nhân viên và trang thiết bị cho các phòng khám sinh sản, để giúp họ đối phó với sự gia tăng nhu cầu, nhằm mục đích giảm thời gian chờ đợi điều trị từ mức trung bình một năm, xuống còn 6 tháng.

Chú thích ảnh
Pháp đã cho phép các cặp đồng tính nữ được điều trị sinh sản để có con. Ảnh: Ingimage

Khủng hoảng hiến tặng tinh trùng

Đối với Tiến sĩ Meryl Toledano, người điều hành phòng khám sản khoa của riêng mình, mục tiêu trên có vẻ đầy tham vọng. Bà nói: “Chỉ với nguồn tinh trùng ở Pháp, chúng tôi sẽ phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu”.

Pháp không cho phép nhập khẩu tinh trùng từ nước ngoài. Và do luật pháp cấm bán tinh trùng để lấy tiền, nên nước này cũng chật vật để có đủ nguồn cung cấp “tinh binh” nội địa. Đó là chưa kể luật mới cũng bao gồm việc chấm dứt tình trạng đảm bảo ẩn danh cho những người hiến tặng tinh trùng từ tháng 9/2022, một động thái có thể làm tăng thêm sự thiếu hụt.

Các số liệu chính thức gần đây nhất cho thấy tổng cộng chỉ có 317 ca hiến tinh trùng được thực hiện ở Pháp vào năm 2019 - giảm so với 386 vào năm 2018 và 404 vào năm trước nữa.

Cơ quan Y sinh học (Agency of Biomedicine), một tổ chức được nhà nước tài trợ, có kế hoạch khởi động một chiến dịch truyền thông trực tuyến vào ngày 20/10 nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tinh trùng.

Helene Duguet, người phát ngôn của Agency of Biomedicine cho biết: “Hiến tặng tinh trùng là một hành động gần gũi của tình đoàn kết. Bước đầu tiên [của chiến dịch] là thông báo cho mọi người rằng những hiến tặng như vậy là khả thi và có thể giúp mọi người xây dựng nên gia đình. Ý tưởng là khuyến khích nhiều người hiến tặng trong những năm tới."

Thời gian chờ đợi kéo dài do tình trạng thiếu tinh trùng sẽ đồng nghĩa nhiều phụ nữ lớn tuổi và độc than ở Pháp có kế hoạch tiếp tục điều trị sinh sản ở nước ngoài dù đã có luật mới.

Tiến sĩ Toledano thường khuyến cáo phụ nữ lớn tuổi nên thực hiện bước này. "Ở Tây Ban Nha, bạn có thể lấy tinh trùng trong một ngày, vì vậy những bệnh nhân có tiền sẽ đến đó. Những người không có tiền phải đợi từ 6 - 12 tháng và có nguy cơ không thành công vì ở tuổi 40, điều này ảnh hưởng rất lớn đến xác suất mang thai”, bà nói.

Chú thích ảnh
Hình ảnh thụ tinh nhân tạo trong ống nghiệm. Ảnh: Getty Images 

Một hành trình đau thương

Năm nay 38 tuổi, Marie đã làm thụ tinh ống nghiệm để có con ở Bỉ vào năm 2015 - thời điểm mà việc điều trị như vậy ở Pháp vẫn là bất hợp pháp đối với cô, với tư cách là một người đồng tính nữ.

"Thật là khó chịu. Tôi đóng thuế ở Pháp và tự hào đóng thuế, rất vui vì có thể giúp đỡ người khác. Nhưng tôi sẽ rất vui nếu tôi cũng có thể được hưởng lợi từ điều trị sinh sản", Marie nói.

Sau 5 năm thất bại, đau buồn và tốn kém hơn 52.000 USD chi phí y tế và đi lại, cuối cùng cô đã được đền đáp bằng sự ra đời của đứa con đầu lòng, Louise. "Liệu trình điều trị hiếm muộn đầu tiên của tôi là một chấn thương thực sự", Marie kể. "Tôi thất vọng vì nó không thành. Tôi trở nên cay nghiệt. Tôi ghét mọi người. Tôi trở thành người mà tôi không muốn."

Còn Aurore Foursy cảm thấy cuộc chiến lâu dài để được tiếp cận bình đẳng với cơ sở điều trị sinh sản của cô giờ đã giành chiến thắng. Với hy vọng có đứa con thứ hai, Marie hiện đã đến Tây Ban Nha với người bạn đời của mình - một phần vì cô sợ phải mòn mỏi trong danh sách chờ đợi ở Pháp.

Chú thích ảnh
Aurore Foursy đã đấu tranh lâu dài cho quyền tiếp cận bình đẳng điều trị sinh sản. Ảnh: CNN

Cũng như các quy định mới về thụ tinh nhân tạo, luật ở Pháp cũng cho phép phụ nữ ở độ tuổi 30 đông lạnh trứng của họ, một thủ tục trước đây chỉ dành cho những người đang điều trị y tế có khả năng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Tuy nhiên, việc mang thai hộ vẫn là bất hợp pháp, khiến những người đồng tính nam, cũng như phụ nữ không thể mang thai, phải tìm kiếm các lựa chọn khác hoặc ra nước ngoài.

Nhưng đối với nhiều người, luật mới đã mang lại một tia hy vọng. "Cuộc chiến đã kết thúc," Foursy nói. "Mọi người đều có quyền như nhau. Mọi kiểu phụ nữ đều có quyền như nhau và tôi có thể tự mình lựa chọn làm mẹ hay không."

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo CNN)
COVID-19 tới 6h sáng 3/10: Vượt 5 triệu ca tử vong; Argentina tiêm vaccine Sinopharm cho trẻ từ 3 tuổi
COVID-19 tới 6h sáng 3/10: Vượt 5 triệu ca tử vong; Argentina tiêm vaccine Sinopharm cho trẻ từ 3 tuổi

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 330.000 ca nhiễm và 5.411 ca tử vong. Theo Reuters, tổng ca tử vong vì COVID-19 trên toàn cầu đã vượt 5 triệu người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN