Khủng hoảng tại Trung Đông và Bắc Phi: “Chảo lửa” vẫn sôi sục

Trước “chảo lửa” đang sôi sục tại các quốc gia Trung Đông và Bắc Phi do làn sóng biểu tình phản đối chính phủ, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon ngày 21/2 kêu gọi “không sử dụng vũ lực và tôn trọng các quyền tự do cơ bản” trong khu vực.


Tuyên bố của người phát ngôn LHQ nêu rõ: Ông Ban Ki-moon đã thảo luận tình hình với các nhà lãnh đạo tại Trung Đông và Bắc Phi, đồng thời một lần nữa khẳng định “đây là thời điểm thích hợp để tiến hành đối thoại”.

Theo tuyên bố này, Tổng thư ký Ban Ki-moon đã tiếp xúc với Quốc vương Baranh Hamad bin Isa Al Khalifa, bày tỏ sự lo ngại của ông và thúc giục chính phủ Baranh tiến hành các biện pháp kiềm chế tối đa. Ông Ban Ki-moon cũng có cuộc nói chuyện với nhà lãnh đạo Ai Cập và đồng ý cử các quan chức cấp cao của LHQ tới Ai Cập giám sát tình hình. Trong thời gian tới, Tổng thư ký LHQ sẽ tiếp tục theo sát diễn biến tại Trung Đông, Bắc Phi và gặp gỡ các nhà lãnh đạo khác tại khu vực này.

Những người ủng hộ Tổng thống Kadhafi tuần hành ở trung tâm thủ đô Tripôli. Ảnh: Internet

Trong khi đó, tình hình tại Libi tiếp tục “nóng” lên với làn sóng biểu tình lan rộng tới thủ đô Tripôli đòi Tổng thống Moamer Kadhafi từ chức. Đám đông người biểu tình đã tràn vào trụ sở các đài phát thanh và truyền hình quốc gia, tòa nhà Quốc hội (Cung Nhân dân) cũng như các đồn cảnh sát trong thành phố. Các nguồn tin nước ngoài cho hay trụ sở cơ quan lập pháp đã bị phóng hỏa và lực lượng cứu hỏa phải nỗ lực để dập tắt ngọn lửa.

Trong các cuộc đụng độ nổ ra giữa lực lượng an ninh và người biểu tình, cảnh sát đã phải sử dụng hơi cay và người ta nghe thấy tiếng súng nổ dữ dội ở trung tâm thành phố.


Các nguồn tin cho hay, tổng số người thiệt mạng trong các vụ đụng độ tại Libi nổ ra hồi tuần trước, tính đến thời điểm này, đã lên tới 233 người. Theo nhận định của giới phân tích, biểu tình lan tới Tripôli là một diễn biến nghiêm trọng kể từ khi các hoạt động phản đối bùng nổ ở Libi. Trước đây, các cuộc biểu tình hầu hết chỉ xảy ra tại khu vực miền đông, nơi chính phủ khó kiểm soát hơn.

Phát biểu trên đài truyền hình quốc gia ngày 21/2, con trai của Tổng thống Kadhafi, ông Saif al-Islam Kadhafi, cảnh báo làn sóng biểu tình phản đối chính phủ có thể dẫn tới một cuộc nội chiến tại Libi. Ông Saif al-Islam cáo buộc các phần tử Libi lưu vong kích động bạo lực trong nước, đồng thời khẳng định quân đội vẫn ủng hộ chính phủ. Bên cạnh đó, ông cũng đề xuất thúc đẩy thực hiện cải cách trong những ngày tới, cam kết chính quyền sẵn sàng dỡ bỏ một số hạn chế và bắt đầu thảo luận về hiến pháp.

Trước diễn biến phức tạp tại Libi, Mỹ đã cho phép thân nhân của các nhân viên sứ quán rời khỏi Libi và khuyến cáo công dân Mỹ không nên tới Libi. Nhiều nước khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Braxin, Ôxtrâylia, Hàn Quốc cũng triển khai các kế hoạch sơ tán công dân của mình khỏi Libi.

Ngày 21/2, làn sóng biểu tình tại các quốc gia Trung Đông và Bắc Phi khác như Baranh, Yêmen, Côoét, Marốc, Iran, Ai Cập, Tuynidi… cũng chưa hề có dấu hiệu lắng dịu. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Arập Xêút, Hoàng thân Saud al-Faisal, nhất trí ủng hộ cuộc đối thoại theo đề xuất giữa chính phủ Baranh và những người đối lập.


Bà Clinton cũng cho biết Mỹ hoan nghênh các biện pháp của Thái tử Baranh Selman bin Hamad al-Khalifa “để bắt đầu một cuộc đối thoại có ý nghĩa về toàn cảnh xã hội Baranh". Trong khi đó, cảnh sát Iran đã được triển khai rầm rộ ở thủ đô Têhêran nhằm ngăn chặn những vụ biểu tình quy mô lớn dù giới chức nước này cho biết thủ đô này vẫn yên bình.

Tại Yêmen, Tổng thống nước này Ali Abdullah Saleh tuyên bố "sẽ không từ chức trừ phi bị thất bại trong bầu cử". Phát biểu trong cuộc họp báo tổ chức tại Dinh tổng thống ở thủ đô Xana, ông Saleh nhấn mạnh "bất cứ ai lên cầm quyền thì đó là người phải giành chiến thắng qua bầu cử, cho dù là bầu cử quốc hội hay bầu cử tổng thống".


Ông cũng nhấn mạnh "phản đối đảo chính, lật đổ chính quyền bằng cách gây hỗn loạn, đập phá tài sản công và sát hại người dân". Ông Saleh cũng khẳng định đã tích cực tìm kiếm biện pháp giải quyết tình hình căng thẳng bằng việc dành nhiều nhân nhượng cho các đảng phái đối lập, tuy nhiên phe đối lập càng lấn tới và đưa ra những yêu sách không chính đáng.

Liên quan tới tình hình Trung Đông và Bắc Phi, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Đô đốc Mike Mullen, ngày 21/2 đã bắt đầu chuyến công du các nước vùng Vịnh trong một tuần nhằm củng cố quan hệ của Mỹ với các đồng minh trong khu vực.


Ông Mullen nhấn mạnh “điều tối quan trọng” hiện giờ là chính phủ và người dân các nước trong khu vực cần giải quyết bất đồng một cách hòa bình.

Hồng Hạnh (Tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN