Khủng hoảng nợ và nguy cơ hồi sinh chủ nghĩa phát xít mới

Theo báo "Bưu điện quốc gia" (Canađa) ngày 13/5, các nhóm phát xít mới dường như đang hồi sinh tại một châu Âu chao đảo vì sự hỗn loạn tài chính ngày một gia tăng. Khi châu Âu kỷ niệm 67 năm ngày chiến thắng phát xít Đức, người ta dường như không tin nổi việc các cử tri Hy Lạp giận dữ dành tới 7% số phiếu bầu cho đảng "Bình minh Vàng" phát xít mới và chống người nhập cư.


 

Một cuộc biểu tình của thành viên đảng "Bình minh Vàng" phát xít mới tại Aten. Ảnh: Internet

 

"Bình minh Vàng" là đảng cực hữu đầu tiên có mặt trong Quốc hội Hy Lạp kể từ khi chế độ độc tài quân sự bị sụp đổ tại nước này năm 1974. Chủ nghĩa phát xít hiện không chỉ tồn tại ở châu Âu, mà trong một số trường hợp, còn đang phát triển mạnh. Tại Hy Lạp, những kẻ cực đoan đang chiêu mộ những người bị gạt ra lề, bị vỡ mộng và bị tước quyền bằng những hứa hẹn quay lại thời quá khứ "thuần khiết". Nora Langenbacher, người đứng đầu dự án chống lại chủ nghĩa cực đoan cánh hữu thuộc Quỹ Friedrich Ebert tại Béclin, nói: "Châu Âu đang chứng kiến sự tăng mạnh của chủ nghĩa cực đoan cánh hữu. Trong những thời điểm khủng hoảng, những kẻ cực đoan và dân túy cánh hữu tại nhiều nơi thường tìm cách lợi dụng sự lo sợ của các công dân châu Âu để thúc đẩy 'sự nghiệp' của chúng bằng cách đưa ra những câu trả lời đơn giản cho các thách thức xã hội phức tạp".


Theo định nghĩa, những kẻ phát xít mới là đối đầu và chống dân chủ. Chúng tìm cách lập ra một trật tự thế giới mới dựa trên hành động khiêu khích cực đoan và trong một số trường hợp cả hoạt động khủng bố cực hữu. Chúng mơ ước đến ngày xã hội và nhà nước sụp đổ để "Đế chế thứ tư" có thể được xây dựng trên đống đổ nát. Chúng ủng hộ việc quay về quá khứ, chấm dứt Liên minh châu Âu (EU), trở lại lại các quốc gia dân tộc, tập trung vào sự "thuần khiết" chủng tộc và văn hóa, từ bỏ NATO và trật tự kinh tế toàn cầu.


Có một nhóm văn hóa phức tạp, gồm các trang mạng, tạp chí, blog, đĩa CD, sách, các đài phát thanh, các công ty quần áo và cửa hàng âm nhạc, đang khuyến khích các tư tưởng phát xít mới trên quy mô quốc tế. Bà Britta Schellenberg, một nhà nghiên cứu tại Đại học Munich, nói: "Nhóm văn hóa cánh hữu cực đoan đang sôi sục tại Đức". Theo kết quả một cuộc thăm dò của Quỹ Friedrich Ebert, 13% số người Đức mong muốn có một nhà lãnh đạo phát xít mới và 14,9% số người có thái độ bài Do Thái.


Chủ nghĩa phát xít mới cũng đang tiếp tục phát triển rộng khắp thế giới. Tại Nga, các băng nhóm như "Sói trắng" chuyên đâm chém những người Trung Á. Tại Thủ đô Ulan Bato của Mông Cổ, có một câu lạc bộ phát xít mới mang tên "Chữ thập ngoặc trắng". Tại Ấn Độ, hồi ký của Hitler đã trở nên nổi tiếng đến mức một nhà xuất bản tuyên bố bán được 100.000 quyển "Cuộc chiến đấu của tôi" trong thập kỷ qua. Chủ nghĩa phát xít mới còn trỗi dậy tại Ixraen. Năm 2008, một nhóm gồm 8 thiếu niên đã bị phạt tù do đã tấn công những người Do Thái và làm bẩn các giáo đường Do Thái bằng chữ thập ngoặc.


Các đảng cực hữu thường có xu hướng phản đối những người nhập cư, toàn cầu hóa, EU và đa văn hóa, dân chủ tự do, chủ nghĩa tư bản tự do và giới lãnh đạo chính trị quốc gia. Liz Fekete, Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu các quan hệ chủng tộc của Anh, cảnh báo về "một sự hồi sinh ngầm của chủ nghĩa phát xít mới và khủng bố cực hữu" khắp châu Âu.


Kết quả các cuộc bầu cử gần đây tại Pháp và Áo cho thấy, các đảng dân túy cánh hữu cấp tiến đang tiếp tục nhận được sự ủng hộ tương đối lớn tại châu Âu. Sự phát triển này phản ánh thành công của các đảng cực hữu, trước đây bị gạt ra lề nhưng hiện có sức mạnh chính trị đáng kể tại Áo, Bungari, Đan Mạch, Hunggari, Hà Lan, Thụy Điển, Látvia, Xlôvakia và Nghị viện châu Âu. Tại một số nước, các đảng cực hữu là những đảng lớn thứ hai hoặc thứ ba và có tầm quan trọng đối với sự sống còn của các chính phủ liên minh bảo thủ cầm quyền.


Tại Hy Lạp, đảng "Bình minh Vàng" giành được 21/300 ghế tại Quốc hội, không đủ để chuyển đổi thành sức mạnh chính trị. Tuy nhiên, điều đó không ngăn cản thủ lĩnh của đảng này là Nikos Michaloliakos nói về việc "làm sạch Aten", kêu gọi gài mìn dọc biên giới để ngăn chặn những người nhập cư bất hợp pháp.

Thanh Hoa (P/v TTXVN tại Canađa)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN