Khủng hoảng khí hậu làm suy yếu mức độ sẵn sàng của quân đội Mỹ?

Các căn cứ quân sự của Mỹ tại bang Florida và Arizona có thể phải hứng chịu cái nóng hơn 38 độ C liền 4 tháng/năm trong nhiều thập kỷ tới nếu lượng khí thải carbon không được cắt giảm.

Chú thích ảnh
Chậu ngâm nước và đá cho phép binh sĩ tại căn cứ Fort Benning nhanh chóng làm mát cơ thể trong quá trình huấn luyện nghiêm ngặt dưới cái nắng nóng Georgia. Ảnh: Cơ quan công vụ Fort Benning.

Dẫn kết quả nghiên cứu của tổ chức phi lợi nhuận có tên gọi Liên hiệp các nhà khoa học công bố ngày 11/11, đài Sputnik đưa tin rất nhiều căn cứ quân sự trên khắp nước Mỹ được dự đoán sẽ trải qua chuỗi ngày cực kỳ nắng nóng.

Cụ thể, căn cứ không quân Yuma tại bang Arizona và hai căn cứ MacDill, Homestead tại bang Florida sẽ bị thiêu đốt dưới cái nóng trên 38 độ C suốt 4 tháng liền. Theo kết quả phân tích, khí thải carbon khiến nhiệt độ toàn cầu trung bình tăng 8% vào năm 2050.

“Tình trạng cực nóng kéo dài có thể gây ra thách thức đối với nỗ lực của quân đội trong việc bảo vệ sức khỏe binh sĩ cũng như đảm bảo mức độ sẵn sàng làm nhiệm vụ”, Kristy Dahl – người dẫn đầu nhóm nghiên cứu – tuyên bố.

Theo thống kê đăng trên trang mạng Military.com, vào năm ngoái, khoảng 2.800 binh sĩ tại ngũ đã bị say nắng hoặc kiệt sức vì nắng nóng. Số liệu của Lầu Năm Góc cho thấy các bệnh liên quan đến nắng nóng chủ yếu xảy ra đối với binh sĩ dưới 20 tuổi, binh sĩ làm nhiệm vụ tại châu Á/Thái Bình Dương, lính thủy quân lục chiến. 

“Những binh sĩ mới nhập ngũ thường phải trải qua các đợt huấn luyện gắt gao, khắc nghiệt. Năm ngoái, các cuộc tập trận đã phải hoãn lại vì điều kiện thời tiết nắng nóng đến mức nguy hiểm. Nhưng với dự báo trong những năm tới, làm thế nào để hoãn các cuộc tập trận trong suốt mùa hè”, Shana Udvardy – một nhà phân tích khí hậu cùng tham gia nghiên cứu – bày tỏ.

"Chúng ta nên phối hợp với các quốc gia khác trên thế giới thông qua thỏa thuận khí hậu Paris để cắt giảm lượng khí thải carbon một cách nhanh chóng và đáng kể. Điều đó sẽ hạn chế đáng kể sự gia tăng nhiệt độ trong những ngày nắng nóng nguy hiểm sắp tới và bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất”, chuyên gia Shana nhấn mạnh.

Ngày 4/11, Chính quyền của Tổng thống Donald Trump bắt đầu tiến trình chính thức rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, đưa Mỹ trở thành quốc gia đầu tiên rời khỏi thỏa thuận toàn cầu này.

Theo các điều khoản của hiệp định, tiến trình rút khỏi thỏa thuận toàn cầu này sẽ kéo dài 1 năm. Điều này đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ không còn là thành viên của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vào ngày 4/11/2020 - một ngày sau ngày bầu cử tổng thống vào năm sau.

Trước đây, Tổng thống Trump từng nhiều lần khẳng định kế hoạch rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Theo nhà lãnh đạo Mỹ, hiệp định sẽ khiến nước Mỹ tổn hại hàng nghìn tỷ USD, người lao động mất việc làm và cản trở các ngành công nghiệp khai thác dầu mỏ, khí đốt, than đá và cả lĩnh vực sản xuất cơ khí. 

Mỹ là quốc gia có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn thứ 2 thế giới. Chính vì vậy, giới chuyên gia nhận định việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận quốc tế về chống biến đổi khí hậu không những sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho môi trường và hệ sinh thái toàn cầu, mà còn là một đòn giáng mạnh vào những nỗ lực chung của quốc tế trong việc kìm hãm mức tăng nhiệt độ toàn cầu.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu là 'không thể đảo ngược'
Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu là 'không thể đảo ngược'

Đó là khẳng định ngày 6/11 của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, sau khi Mỹ vừa tuyên bố chính thức rút khỏi văn kiện này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN