Khủng hoảng chính trị tại Ai Cập: Rối ren chưa được tháo gỡ

Hàng trăm người biểu tình thuộc phe đối lập ở Ai Cập ngày 9/2 đã bao vây tòa nhà quốc hội ở thủ đô Cairô. Tuy nhiên, không xảy ra đụng độ giữa những người biểu tình và lực lượng an ninh bảo vệ tại đây.

Cùng thời điểm, hàng nghìn người biểu tình vẫn tiếp tục hạ trại tại Quảng trường Tahrir (trung tâm Cairô). Đám đông biểu tình tuyên bố sẽ cố thủ ở Tahrir cho đến khi nào ông Mubarak rời khỏi cương vị lãnh đạo đất nước.

Trước đó, đêm 8/2, phe đối lập đã tổ chức một cuộc biểu tình rầm rộ nhất trên khắp Ai Cập kể từ khi khủng hoảng chính trị trong nước nổ ra hồi tháng trước. Theo mô tả của phóng viên hãng AFP, hàng trăm nghìn người biểu tình đã đổ về Quảng trường Tahrir, bất chấp lệnh giới nghiêm được chính phủ áp đặt tại Cairô sau 20 giờ (giờ địa phương). Hoạt động biểu tình chống chính phủ ở thành phố Alexandria (lớn thứ hai tại Ai Cập) cũng thu hút một số lượng người kỷ lục.

Trong khi đó, mạng lưới Al-Qaeda tại Irắc kêu gọi những người biểu tình tại Ai Cập tiến hành thánh chiến và tiến tới thành lập một chính phủ dựa trên luật Hồi giáo. Theo nhóm tình báo SITE đặt tại Mỹ, đây được xem là phản ứng đầu tiên của một tổ chức liên quan tới Al-Qaeda trước cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Ai Cập.

Biển người tập trung ở Quảng trường Tahrir ngày 9/2. Ảnh: AFP - TTXVN


Theo báo cáo của Ngân hàng Credit Agricole (Pháp), cuộc khủng hoảng chính trị tại Ai Cập đang làm nước này thiệt hại 310 triệu USD mỗi ngày do các nhà máy đóng cửa và khách du lịch hủy chuyến. Bộ trưởng Công thương Ai Cập Samiha El-Sayed Ibrahim cho biết xuất khẩu trong tháng 1/2011 của nước này giảm 6% do lệnh giới nghiêm và khó khăn trong vận chuyển hàng hóa. Dự báo, kinh tế Ai Cập tăng trưởng 5,3% trong năm 2011. Tuy nhiên, Crédit Agricole cho rằng con số này sẽ chỉ ở mức 3,7% vì các cuộc biểu tình.

Trước diễn biến phức tạp tại Ai Cập, ngày 9/2, Mỹ kêu gọi Cairô ngay lập tức dỡ bỏ luật tình trạng khẩn cấp và tiến hành các cuộc cải cách. Nguồn tin từ Nhà Trắng cho hay: Trong cuộc điện đàm với Phó Tổng thống Ai Cập Omar Suleiman, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden nhắc lại lời kêu gọi về một sự thay đổi chính trị “ngay lập tức” và “không thể đảo ngược” tại Ai Cập, trong đó có một cuộc đối thoại rộng rãi với phe đối lập.


Tuy nhiên, ông Suleiman cảnh báo rằng các cuộc biểu tình “vội vàng” có thể gây ra “sự hỗn loạn” ở trong nước. Hãng thông tấn quốc gia MENA đưa tin, Phó Tổng thống Suleiman khẳng định chính phủ sẽ tiếp tục đàm phán với các phe phái chính trị và giới thanh niên (lực lượng nòng cốt tham gia các cuộc biểu tình).

Nhận định về khủng hoảng chính trị tại Ai Cập, mạng phân tích và tư vấn kinh tế (EIU) thuộc tạp chí “Nhà kinh tế” mới đây cho rằng dù Phó Tổng thống Suleiman đã có các cuộc đàm phán với nhóm đối lập, nhưng tình hình bế tắc vẫn chưa được giải quyết khi mà phe đối lập dường như chưa thỏa mãn với các nhượng bộ do chính phủ đưa ra. EIU đưa ra một số viễn cảnh chính cho cuộc khủng hoảng ở Ai Cập như sau:

Chính phủ và phe đối lập thỏa hiệp. Một tiến trình chuyển giao sang chế độ mới sẽ diễn ra trên cơ sở sự đồng thuận chung giữa các lực lượng chính trị đối lập chính và nhóm được Tổng thống Mubarak thành lập để giám sát tiến trình tổ chức bầu cử tổng thống. EIU cho rằng nhiều khả năng cả phe đối lập lẫn chính quyền Mubarak đều chấp nhận bầu cử.

Chính phủ hiện nay thực hiện một số cải cách chiếu lệ. Theo EIU, vẫn có nguy cơ là các nhân vật trong chính quyền hiện nay và lực lượng đối lập không đạt được sự đồng thuận. Điều này có thể dẫn đến việc ông Suleiman cố gắng thu nạp một số nhân vật đối lập tham gia tiến trình sửa đổi một vài điều nhỏ trong hiến pháp để bầu cử tổng thống được cởi mở hơn.

Tuy nhiên, những sửa đổi này là không đủ để giành được sự hợp tác của nhiều phong trào đối lập. Kết quả của tiến trình này có thể là một cuộc bầu cử thất bại, bị tẩy chay bởi đa số các lực lượng đối lập.

Hồng Hạnh (Tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN