Khủng bố IS trỗi dậy thế nào sau khi bị đánh bại ở Syria 5 năm trước?

Sau hai vụ khủng bố đẫm máu nhằm vào Nga mới đây và nhằm vào Iran hồi đầu năm, có thể thấy nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đang trỗi dậy.

Dấu hiệu IS trỗi dậy

Sáng 21/3, quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ Ian McCary tham gia phiên hỏi đáp tại Viện Washington để kỷ niệm 5 năm tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) bị đánh bại ở Syria.

Ngày 23/3/2019, liên minh do Mỹ dẫn đầu cùng các đối tác đã đẩy nhóm IS ra khỏi Baghuz ở Syria. Tại Syria, IS từng coi Raqqa là thủ đô của Vương quốc Hồi giáo tự xưng và Baghuz là thành trì cuối cùng.

Ông McCary bình luận: “Đây đã và vẫn là một cột mốc quan trọng trong nỗ lực liên tục của chúng tôi nhằm đảm bảo IS không thể hồi sinh”.

Chú thích ảnh
Hình ảnh trích từ video cho thấy các tay súng đang di chuyển vào Crocus City Hall ngày 22/3/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Chỉ một ngày sau, các tay súng IS đã xông vào nhà hát Crocus City Hall đông đúc ở tỉnh Moskva (Nga), nã đạn vào khán giả và phóng hỏa nhà hát này.

Ít nhất 139 người đã thiệt mạng và 182 người bị thương trong vụ tấn công tồi tệ nhất mà Nga từng chứng kiến trong hai thập kỷ qua.

Chi nhánh ở Afghanistan của IS, còn được gọi là Nhà nước Hồi giáo ở tỉnh Khorasan (ISIS-K), đã thừa nhận thực hiện vụ này. Thông tin tình báo của Mỹ khẳng định tuyên bố này là chính xác.

Trên các mạng xã hội của ISIS-K, những người ủng hộ nhóm khủng bố này đã ăn mừng vụ tấn công. Theo các chuyên gia chiến lược, đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy IS đã phục hồi sau một số thất bại ở Syria và Iraq. Vụ việc cũng cho thấy Afghanistan đã trở thành hang ổ quan trọng cho tham vọng ngày càng tăng của tổ chức này.

Bà Amira Jadoon tại Đại học Clemson (Mỹ) và là đồng tác giả của một cuốn sách về IS bình luận: “Nếu cuộc tấn công ở Nga được xác định rõ ràng là do ISIS-K thực hiện, thì điều đó cho thấy nhóm này quyết tâm điều chỉnh hành động theo các mục tiêu đã nêu – tức là tấn công các quốc gia đóng vai trò then chốt trong bối cảnh địa chính trị ở Trung Đông, Nam và Trung Á”.

Vụ tấn công vào nhà hát Crocus City Hall ở Nga diễn ra hai tháng sau vụ đánh bom tự sát ở Kerman (Iran), khiến trên 90 người thiệt mạng và gần 300 người bị thương. ISIS-K cũng đã thừa nhận thực hiện những cuộc tấn công đó.

Theo bà Jadoon, Nga và Iran từ lâu đã nằm trong tầm ngắm của IS, nhưng những vụ việc gần đây cho thấy nhóm này có mục đích chiến lược lớn hơn.

Bà bình luận: “Bằng các hành động thù địch nhằm vào các quốc gia như Iran và Nga, ISIS-K không chỉ đối đầu với các đối thủ mạnh trong khu vực mà còn nhấn mạnh tầm ảnh hưởng chính trị và tầm hoạt động trên trường toàn cầu”.

Tuy nhiên, các nhà phân tích nói rằng ISIS-K chỉ thực hiện được mục tiêu này nếu xây dựng thành công căn cứ an toàn ở Afghanistan và thực sự củng cố hiện diện ở đây, ngay cả sau khi kẻ thù không đội trời chung là Taliban nắm quyền kiểm soát Afghanistan vào tháng 8/2021.

Ở thời mà ảnh hưởng mạnh nhất, IS kiểm soát khoảng 1/3 lãnh thổ Syria và 40% lãnh thổ Iraq.

Đối mặt với áp lực quân sự từ một loạt các đối thủ trong khu vực như liên minh do Mỹ dẫn đầu, Nga, Iran cũng như chính phủ Syria và Iraq, IS đã mất 95% vùng đất đó vào cuối năm 2017. Mất Baghuz vào tháng 3/2019 đã khiến nhóm này không còn kiểm soát thị trấn, thành phố hoặc khu vực nào ở Iraq và Syria.

Trong khi đó, chi nhánh ISIS-K đang tiếp tục củng cố sức mạnh. Vào tháng 5/2020, nhóm này tấn công khu hộ sinh ở Kabul khiến 24 người thiệt mạng, gồm cả phụ nữ và trẻ sơ sinh. Sáu tháng sau, các tay súng ISIS-K đã tấn công Đại học Kabul, giết chết ít nhất 22 sinh viên và giáo viên.

Sau đó, khi Taliban quay trở lại nắm quyền ở Afghanistan, ISIS-K đã gây ra các vụ đánh bom tàn khốc tại sân bay Kabul khiến ít nhất 175 thường dân và 13 binh sĩ Mỹ thiệt mạng. Khi đó, Taliban trở lại nắm quyền tại Afghanistan và quân đội Mỹ đang rút về nước.

Chú thích ảnh
Khói bốc lên gần hiện trường vụ nổ ở sân bay Kabul, nơi đang diễn ra hoạt động sơ tán gấp rút công dân các nước khỏi Afghanistan, ngày 26/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Ông Kabir Taneja, thành viên tại Quỹ Nghiên cứu Quan sát viên (Ấn Độ), nhận định: “Kể từ đó, ISIS-K ở Afghanistan đã phát triển sức mạnh đáng kể”.

Các cuộc tấn công của nhóm này cũng xảy ra ở Pakistan - nơi nhóm này đã đánh bom một đám đông vào tháng 7/2023, giết chết hơn 50 người.

Theo ông Michael Kugelman, Giám đốc Viện Nam Á tại Trung tâm Wilson, việc Taliban giành lại quyền lực ở Afghanistan đã giúp ích cho ISIS-K: “ISIS-K có thể là đối thủ của Taliban, nhưng ISIS-K được hưởng lợi khi Taliban trở lại và khi Mỹ rút quân. Taliban đã thực hiện các cuộc vượt ngục và các tay súng ISIS-K đã nhân cơ hội thoát ra. Quân đội Afghanistan sụp đổ đã tạo cơ hội cho ISIS-K có được nhiều vũ khí. Việc Taliban thiếu lực lượng không quân đã tạo cơ hội cho nhóm này củng cố vị trí”.

Ông Kugelman nói thêm: “Không còn các cuộc không kích của NATO, không còn chiến thuật hiệu quả nhất để đối phó với mối đe dọa ISIS-K, nên nhóm này có thêm không gian hoạt động, đặc biệt là vì Taliban không có sức mạnh không quân. Trên thực tế, ISIS-K đã được hưởng lợi từ môi trường thuận lợi ở Afghanistan, khuyến khích chúng mở rộng mục tiêu vượt xa các khu vực thành trì”.

Tham vọng mới

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: mehrnews

Theo chuyên gia Taneja, không chỉ chi nhánh IS ở Afghanistan mới tăng cường ảnh hưởng mà chính IS cũng vậy. Ông nói: “IS ở các khu vực hoạt động ban đầu của chúng là Syria và Iraq cũng tăng sức mạnh. IS ngày nay tồn tại dưới một hình thức mà chúng có sức mạnh về mặt ý thức hệ ngay cả khi về mặt chính trị, chiến thuật hoặc chiến lược không còn mạnh nữa. Làm thế nào để đối phó với điều này là một câu hỏi lớn vào thời điểm mà xáo trộn địa chính trị toàn cầu đã khiến hoạt động chống khủng bố bị gác lại”.

Đối với ISIS-K, các cuộc tấn công ở Nga và Iran là rất quan trọng để nhóm này nâng cao danh tiếng và duy trì đội ngũ thành viên đa dạng về mặt chiến lược.

Theo bà Jadoon, có nhiều lý do khiến các tay súng gia nhập IS, từ tâm lý thù hận một số quốc gia cho tới thù ghét Taliban. Bà kết luận: “Về bản chất, việc thực hiện các cuộc tấn công quốc tế vượt ra ngoài biên giới Pakistan và Afghanistan là một chiến thuật có chủ ý trong chiến lược toàn cầu hóa chiến dịch của ISIS-K”.

Ngày 24/3, các chuyên gia khác cũng bày tỏ lo ngại rằng vụ khủng bố ở Moskva và Iran có thể tạo đà cho ISIS-K tăng cường nỗ lực tấn công ở châu Âu.

Thế vận hội Paris diễn ra vào mùa hè này là một sự kiện lớn khiến nhiều quan chức chống khủng bố lo lắng. Ông Edmund Fitton-Brown, cố vấn cấp cao thuộc Dự án chống chủ nghĩa cực đoan, cho biết: "Tôi lo lắng cho Thế vận hội Paris. Đó sẽ là mục tiêu khủng bố cấp cao".

Tại Pháp, ngày 25/3, Thủ tướng Gabriel Attal cho biết nước này sẽ tăng số lượng binh sĩ cho "Chiến dịch Sentinelle" - đơn vị phụ trách giải quyết các mối đe dọa khủng bố. Sẽ có thêm 4.000 binh sĩ chuẩn bị sẵn sàng tham gia Sentinelle, ngoài 3.000 nhân viên đã được điều động hiện nay. Lực lượng này sẽ chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh tại những khu vực như nhà ga, địa điểm tôn giáo, nhà hát trên cả nước. Cuối tuần qua, Pháp cũng nâng mức cảnh báo khủng bố lên cấp độ cao nhất sau vụ tấn công khủng bố ở Nga.

Thùy Dương/Báo Tin tức (Al Jazeera)
Tham vọng nguy hiểm của nhánh IS gây ra vụ tấn công khủng bố Moskva
Tham vọng nguy hiểm của nhánh IS gây ra vụ tấn công khủng bố Moskva

ISIS-K (Nhà nước Hồi giáo ở Khorasan) hiện đang hoạt động ở Afghanistan, Pakistan và Iran, nhưng đã nhắm tới châu Âu và xa hơn nữa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN