Không tồn tại mối liên hệ giữa các trận động đất lớn trên thế giới

So với một thế kỷ trước, số lượng các trận động đất lớn hầu như không thay đổi, nhưng đáng lo ngại là trong những năm gần đây, tần suất xảy ra các thảm họa này đã tăng đáng kể. Thực tế này đặt ra cho giới khoa học một câu hỏi: liệu có mối liên hệ giữa các cơn địa chấn kinh hoàng này hay không?


Thảm họa kép động đất gây sóng thần mạnh 9,0 độ richter tại Nhật Bản hồi tháng Ba năm nay. Một năm trước đó là trận động đất 8,8 độ richter tại Chilê. Lùi lại sáu năm trước, quần đảo Sumatra-Andaman của Inđônêxia rung chuyển sau cơn "trở mình" của Đất mẹ mạnh tới 9,0 độ richter.


Thảm họa kép động đất và sóng thần ngày 11/3 đã tàn phá nặng nề đất nước Nhật Bản. Nguồn: Internet


Gắn kết các thảm họa kinh hoàng này lại với nhau, nhiều nhà địa chất học cho rằng giữa chúng tồn tại một mối liên hệ. Tuy nhiên, các chuyên gia đến từ Đại học California của Mỹ, đã nghiên cứu và đối chiếu các số liệu về những trận động đất lớn trên thế giới kể từ năm 1900 đến nay và đi đến kết luận rằng qua thời gian, số lượng các trận động đất lớn (từ 7 độ richter trở lên) không tăng đáng kể và chúng hoàn toàn độc lập với nhau.

Ông Peter Shearer, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết theo các phân tích thống kê, các trận động đất có thể ngẫu nhiên xảy ra và khả năng xuất hiện một chuỗi các trận động đất liên tiếp là không cao. Trong khoảng thời gian từ năm 1950-1965, thế giới đã chứng kiến nhiều cơn địa chấn mạnh từ 8,5 độ richter trở lên.

Tuy nhiên, trong giai đoạn tiếp theo 1965-2004, số lượng các trận động đất lớn xuất hiện ngày càng ít dần. Kể từ năm 2004, mặc dù số các trận động đất mạnh 8 độ richter trở lên xuất hiện trở lại nhiều hơn, đặc biệt trong 5 năm trở lại đây, nhưng trên thực tế không cao hơn so với một thế kỷ trước.

Không chỉ so sánh, đối chiếu trên phương diện số liệu thống kê về các trận động đất trước đây khi tìm hiểu về mối liên hệ (có thể có) giữa các trận động đất mạnh trong những năm gần đây, các nhà khoa học Mỹ còn nghiên cứu về vai trò của lớp vỏ bề mặt Trái Đất liên quan tới các thảm họa này. Họ đã kết luận rằng không có nguyên nhân vật lý nào cho thấy tồn tại mối liên hệ giữa các trận động đất lớn xảy ra tại Nam Mỹ và Nhật Bản.

Những kết luận trên phù hợp với một nghiên cứu được đăng trên tạp chí "Nature Geoscience" số ra đầu năm 2011, trong đó kết luận nguy cơ xảy ra các trận động đất mạnh tăng đáng kể sau một chấn động địa chất lớn, song điều này không xảy ra ở quy mô toàn cầu. Nghiên cứu cũng bác bỏ kết luận của một nghiên cứu hồi năm 2009 cho rằng các cơn địa chấn có thể gây nên những vết nứt trên bề mặt Trái Đất, từ đó làm tăng nguy cơ xảy ra các trận động đất trên diện rộng.

Nghiên cứu bác bỏ mối liên hệ giữa các trận động đất mạnh trên thế giới trong nhiều năm gần đây của các nhà khoa học Mỹ được công bố trên tạp chí khoa học "Proceedings of the National Academy of Sciences".

TTXVN/Tin Tức
Động đất làm rung chuyển Papua Niu Ghinê
Động đất làm rung chuyển Papua Niu Ghinê

Vào lúc 5 giờ 4 phút GMT ngày 14/12, một trận động đất mạnh 7,3 độ ríchte đã làm rung chuyển khu vực New Guinea, miền Đông Papua Niu Ghinê. Tuy nhiên, không có cảnh báo sóng thần được ban bố.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN