Không kích Syria: Sự tuyệt vọng của Mỹ

Theo trang “Tin Trung Đông” ngày 24/9, phương Tây đang chạy đua với thời gian, cố gắng biện minh cho cuộc chiến ở Syria bằng cái gọi là cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, trước khi thế giới nhận ra họ cùng đồng minh trên thực tế đã tạo ra IS trong giai đoạn phôi thai.

Quang cảnh đổ nát sau cuộc tấn công vào trụ sở của nhóm Mặt trận Al-Nusra, cách thành phố miền bắc Aleppo 20km về phía tây. Ảnh: AFP-TTXVN


Trong nỗ lực tuyệt vọng để đạt được tham vọng địa chính trị không tưởng, phương Tây đã vội vàng tuyên bố bắt đầu không kích và tấn công bằng tên lửa vào lãnh thổ Syria. Tuy nhiên, khi tuyên bố tấn công IS tại Syria, Mỹ và đồng minh lại từ chối cung cấp chi tiết về hành động quân sự đang thực hiện ở nước này, không giống như chiến dịch mà họ đã thực hiện ở nước láng giềng Iraq.

Hãng tin Reuters trong bài bình luận có nhan đề “Mỹ, đối tác Arập phát động các cuộc không kích đầu tiên nhằm vào IS trên lãnh thổ Syria” đã nhận định: Mỹ và một số nước đồng minh vùng Vịnh đã không kích và tấn công bằng tên lửa vào các cứ điểm của IS ở Syria ngày 22/9, mở ra một mặt trận mới phức tạp hơn trong cuộc chiến chống lại các tay súng thánh chiến.

Thư ký Báo chí Lầu Năm Góc John Kirby tuyên bố: “Tôi khẳng định rằng quân đội Mỹ và lực lượng quân đội các nước đối tác đang thực hiện hành động quân sự chống lại các phần tử khủng bố Nhà nước Hồi giáo ở Syria, sử dụng tổng hợp các loại máy bay chiến đấu, ném bom và tên lửa hành trình tấn công Tomahawk”.

Chính những “đối tác Arập” được nhắc trong tuyên bố trên cũng là những nước đã trang bị vũ khí, tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố hoạt động dọc theo khu vực biên giới và trên chính lãnh thổ Syria.

Đặc biệt, Saudi Arabia và Qatar từng cung cấp tài chính cho IS, còn Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã cử nhân viên huấn luyện cho lực lượng này dọc theo khu vực biên giới phía Bắc Syria với Thổ Nhĩ Kỳ và khu vực biên giới phía Nam Syria với Jordan.

Mặc dù phải mất nhiều năm để phân loại cái mà phương Tây gọi là “lực lượng nổi dậy ôn hòa” với các tổ chức đã bị Bộ Ngoại giao Mỹ liệt vào danh sách khủng bố nước ngoài như Mặt trận Al-Nursa, song rõ ràng thời gian trước khi IS tràn vào Iraq và châm ngòi cuộc khủng hoảng địa chính trị mới nhất ở khu vực thì IS đã sát cánh chiến đấu cùng cái gọi là lực lượng nổi dậy ôn hòa trong cuộc tấn công vào thị trấn Kassab của Syria, dọc theo khu vực biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.

Ankara, một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), thậm chí còn hăng hái hơn khi mở không phận cho các máy bay của Mỹ.

Máy bay F-18E Super Hornets của hải quân Mỹ hạ cánh xuống tàu sân bay USS George H.W. Bush sau khi tham gia chiến dịch oanh kích phiến quân IS ở Syria. Ảnh: AFP-TTXVN


Cho dù động cơ khiến Mỹ và các đối tác Arập tấn công Syria ở thời điểm này là gì thì chắc chắn đó cũng không phải nhằm vào IS.

Khi khói súng bốc lên, chúng ta sẽ nhận ra khu vực Raqqa của Syria bị phân tách và chắc chắn nằm trong tay những đối tượng khủng bố mà Mỹ tuyên bố rằng họ đang tấn công.

Việc chia tách Aleppo cũng là điều chắc chắn mặc dù đó là mục tiêu quá cao đối với phương Tây, biến khu vực này hoặc Raqqa thành “thủ phủ của lực lượng nổi dậy” như kiểu Benghazi của Libya.

Chia tách lãnh thổ Syria và thiết lập vùng đệm là một phần trong chương trình nghị sự của Mỹ về Syria trong nhiều năm qua, trước khi mối đe dọa từ IS
được sử dụng làm cái cớ phù hợp cho hành động can thiệp quân sự trực tiếp của Mỹ vào đây.

IS đơn thuần chỉ là công cụ mới nhất được Nhà Trắng sử dụng để thực hiện chiến lược này. Bề ngoài, ý tưởng về một vùng đệm có vẻ là nỗ lực mới nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng khu vực đang ngày càng nghiêm trọng và để “giành chiến thắng” trong cuộc chiến ở Syria.

Tuy nhiên, trên thực tế, điều này đã được lên kế hoạch từ tháng 3/2012, và được Viện Brookings đề xuất trong báo cáo có nhan đề “Trung Đông, số 21: Đánh giá các phương án thay đổi chế độ”. Bản báo cáo nói thẳng rằng “trách nhiệm bảo vệ” dân thường chỉ là một cái cớ cho kế hoạch dài hạn để thay đổi chế độ.

Rõ ràng, vùng đệm là bước đi tiếp theo được phương Tây lên kế hoạch nhằm mục đích lật đổ chế độ Syria và cũng là điều mà chính phủ Syria không bao giờ chấp nhận.

Năm 2012, một số vụ việc phức tạp được dựng lên ở khu vực biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ và được sử dụng để giúp thực hiện chiến lược này nhưng đã bị thất bại. Hiện tại, mối đe dọa từ IS một lần nữa lại được viện dẫn như cái cớ để tái thực hiện chiến lược này.

Phương Tây đã tự đẩy mình vào cái bẫy do chính họ tạo ra dành cho Syria, Iran và các lực lượng khu vực - một cái bẫy với kết cục dành cho chính quân đội phương Tây và các nước đối tác Arập. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc hoàn toàn vào Syria và khả năng của các đồng minh Damascus trong việc đẩy phương Tây vào cuộc chiến lâu dài, một cuộc chiến thậm chí có thể xảy ra ngay tại cửa ngõ của các nước đồng minh vùng Vịnh của Mỹ.

Hiện tại, Syria cần phải xây dựng cẩn thận một chiến lược phản công toàn diện đối với các hành động khiêu khích mạnh mẽ, hiểu rõ bản chất thực sự hiếu chiến của Mỹ, quyết định hành động phù hợp với sức mạnh của mình, và đưa ra biện pháp đối phó phù hợp với hậu quả lâu dài mà chiến dịch hiện nay của Mỹ gây ra.


TTK
Lý do 5 quốc gia Arập hỗ trợ Mỹ không kích IS tại Syria
Lý do 5 quốc gia Arập hỗ trợ Mỹ không kích IS tại Syria

Đối với Mỹ, điều vô cùng thiết yếu hiện nay là nhằm cho thế giới thấy việc chống lại IS còn có sự tham gia của chính các quốc gia Arập và thế giới Hồi giáo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN