Không chỉ là mở kho dự trữ dầu mỏ

Trong bối cảnh giá dầu thế giới tiếp tục biến động mạnh do những bất ổn tại khu vực Trung Đông - Bắc Phi, nơi được coi là rốn dầu của thế giới, cộng đồng quốc tế sẽ phải làm gì để ngăn chặn nguy cơ xảy ra cuộc “đại suy thoái” thứ hai trong thế kỷ 21?

Hậu quả nhãn tiền

Có hai luồng dư luận về cơn biến động giá dầu lần này, trong đó dư luận tiêu cực dường như lấn át những đánh giá lạc quan. Trong khi một số quan chức Mỹ và các tổ chức có uy tín đánh giá rằng giá dầu tăng lần này chỉ như một “cơn áp thấp” mà phải một “cơn bão” cực lớn mới có khả năng ngăn chặn đà tăng trưởng của thế giới đang trong quá trình hồi phục, thì cũng có không ít ý kiến ngược lại.


Theo Giáo sư Nouriel Roubini, thuộc trường Đại học New York (Mỹ), có tới 3/5 số cuộc suy thoái toàn cầu gần đây xảy ra sau một cơn sốc địa chính trị tại Trung Đông khiến giá dầu tăng lên.


Tình hình càng trở nên khó khăn khi thế giới hiện đang trong cơn lốc tăng giá kép, cả về dầu mỏ lẫn lương thực. Thu nhập của các hộ gia đình, cả ở các nước phát triển lẫn các nước đang phát triển, đều không đủ mạnh để chịu đựng khoản chi dành cho năng lượng và lương thực thực phẩm tăng mạnh.

Giá dầu tăng mạnh đang tác động tiêu cực tới sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.

Giá dầu tăng, cùng với giá lương thực đã ở mức cao, khiến người ta ngày càng quan ngại về lạm phát tại thời điểm nền kinh tế toàn cầu dễ bị tổn thương nhất. Mohamed El-Erian, Tổng Giám đốc điều hành của Công ty quản lý đầu tư Thái Bình Dương (PIMCO), nhận xét: "Trong thời gian trước mắt, những diễn biến tại Trung Đông sẽ khiến kinh tế toàn cầu bị đình đốn”.


Trong khi đó, Fatih Birol, nhà kinh tế chủ chốt thuộc Cơ quan Năng lượng quốc tế cũng cảnh báo những nguy cơ từ giá dầu thô cao hơn như làm mất cân bằng thương mại toàn cầu, làm tăng giá tiêu dùng và tăng sức ép buộc các ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất. Việc giá dầu tăng lên mức 100 USD/thùng sớm hơn dự đoán của các nhà kinh tế phần nào sẽ ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

Tìm giải pháp

Lo ngại việc giá dầu leo thang có thể tác động xấu tới đà phục hồi còn khá mong manh của nền kinh tế đầu tàu thế giới, Arập Xêút, một cường quốc dầu mỏ, đã cam kết tăng sản lượng khai thác dầu thô để bù vào phần thiếu hụt từ nguồn cung Libi.


Các quan chức Oasinhtơn đang đặt lên bàn nhiều giải pháp cũng như làm việc với các tổ chức quốc tế để phối hợp các chính sách kiềm chế giá dầu. Có nhiều đề xuất được nêu ra và mở kho dầu dự trữ chiến lược của Mỹ, hiện khoảng 727 triệu thùng, được coi là giải pháp trong ngắn hạn.

Lần gần đây nhất Oasinhtơn phải sử dụng đến "quyền rút hạn chế" lượng dầu dự trữ để bảo vệ an ninh quốc gia là năm 2005, sau khi cơn bão Katrina tàn phá miền đông nam nước Mỹ, nơi có nhiều giàn khoan khai thác dầu thô và nhà máy lọc dầu của Mỹ.


Khi đó, quyền rút hạn chế đã giúp giá dầu giảm khoảng 9%. Tuy nhiên, Chánh Văn phòng Nhà Trắng William Daley trong chương trình “Gặp gỡ Báo chí” của kênh truyền hình NBC mới đây thừa nhận “mở kho dự trữ là việc chỉ được làm - và từng được làm - trong các trường hợp rất hiếm hoi.


Có nhiều nhân tố cần phải xem xét chứ không chỉ riêng giá dầu”. Ông Daley cũng cho rằng tất cả các vấn đề cần phải được cân nhắc khi tính đến những khó khăn mà nước Mỹ đang phải chống chọi trong cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay.

Và rõ ràng, mở kho dự trữ chiến lược chỉ có thể áp dụng với các nước có nguồn dự trữ chiến lược dồi dào, chứ với những nước chưa xây dựng được cho mình kho dự trữ đáng kể như nhiều nước ở châu Á, trong đó có cả những nền kinh tế mạnh như Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc, cho tới những nền kinh tế nhỏ hơn, cơn sốt giá dầu đang thực sự trở thành ác mộng đối với tăng trưởng kinh tế của họ.

Cơn biến động giá dầu lần này do những bất ổn ở Trung Đông càng cho thấy rõ sự phụ thuộc quá lớn vào dầu mỏ tập trung tại một khu vực sẽ gây ra những hệ lụy lớn thế nào khi xảy ra xáo trộn tại khu vực đó. Song, cũng cần phải nói rằng dù Trung Đông vẫn là “rốn dầu” thế giới nhưng nguồn cung dầu thô hiện nay dàn đều hơn so với trước đây.


Trong thập niên 1970, sản xuất dầu thô tập trung chủ yếu ở Vùng Vịnh. Kể từ đó một loạt quốc gia không thuộc OPEC, như ở Mỹ Latinh và Tây Phi, đã gia nhập thị trường dầu mỏ. Năm 2009, Nga đã vượt Arập Xêút trở thành nước khai thác nhiều dầu thô nhất thế giới. Thị phần của OPEC đã giảm từ 51% giữa thập niên 1970 xuống còn 40% hiện nay.


Những tiến bộ vượt bậc trong công nghệ cũng giúp trữ lượng dầu của thế giới hiện tăng gấp đôi so với năm 1980. Vênêxuêla hay Braxin thời gian gần đây đều đã công bố phát hiện thêm trữ lượng dầu mới.


Phải chăng đây là thời điểm để các nước sử dụng nhiều dầu nhất thế giới đầu tư vào việc khai thác các giếng dầu mới, cũng như đẩy mạnh phát triển các công nghệ năng lượng thay thế. Thế giới cần sự chung tay và cần nhiều giải pháp để đối phó với giá dầu tăng bởi hậu quả nhãn tiền của cơn sốt giá lần này.

Đỗ Sinh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN