Khó tiếp cận Kabul, biển người kéo ra biên giới Afghanistan-Pakistan để xuất ngoại

Các đoạn video cho thấy cảnh tượng “biển người” đứng bao vây một cửa khẩu biên giới giáp Pakistan để tìm cơ hội chạy khỏi Afghanistan. 

Tờ Insider đưa tin Afghanistan và Pakistan có chung đường biên giới dài khoảng 2.500km và một trong hai cửa khẩu chính nằm ở thị trấn Spin Boldak, gần thành phố Chaman của Pakistan.

Trong tuần qua, nhiều đoàn người đã kéo đến chật kín khu vực này nhằm qua được biên giới nước láng giềng, mặc dù không rõ có bao nhiêu người là dân Pakistan mong được về nước và bao nhiêu người là dân Afghanistan muốn sang tị nạn. (Xem video dưới đây. Nguồn: Insider)

Một cửa khẩu khác nằm cách Chaman khoảng 900km, giáp với tỉnh Khyber Pakhtunkhwa của Pakistan. Toàn bộ dải đất phân tách hai quốc gia được giám sát bởi lực lượng dân quân Pakistan. 

Theo Reuters, cửa khẩu tại Spin Boldak đã mở cửa hoàn toàn trở lại vào ngày 21/8 sau một tuần đóng cửa kể từ ngày thủ đô Kabul rơi vào tay phong trào Taliban hôm 15/8. Xe chở hàng hoá thương mại hiện có thể đi qua biên giới sau khi chính phủ Pakistan tham dự hai vòng đàm phán với Taliban. 

Tuy nhiên, việc cửa khẩu này hoạt động không đồng nghĩa với việc Pakistan sẽ tiếp nhận làn sóng người tị nạn Afghanistan mới.

Tờ Nikkei cho hay Pakistan có thể phải chi ít nhất 2,2 tỷ USD trong ba năm tới để xây trại tị nạn cho những người vô gia cư, dựa trên giả định rằng họ sẽ nhận thêm 700.000 – 800.000 công dân Afghanistan. Điều này sẽ gây gánh nặng cho nền kinh tế Pakistan, đặc biệt khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vừa chạm đáy thấp nhất sáu năm vào năm 2020. 

Cố vấn An ninh Quốc gia Moeed Yusuf khẳng định Pakistan sẽ không nhận thêm người tị nạn, đồng thời triển khai lực lượng bán quân sự để ngăn chặn tình trạng vượt biên trái phép. 

Hoàng Trang/Báo Tin tức
4 bài học lớn thời đầu đại dịch không còn đúng với nước Mỹ
4 bài học lớn thời đầu đại dịch không còn đúng với nước Mỹ

Những bài học từng được áp dụng phổ biến và thành công ở Mỹ và nhiều nơi khác trong thời kỳ đầu đại dịch COVID-19 nay đã không còn phù hợp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN