Khó đằng trong, ngóng đằng ngoài

Không phải ngẫu nhiên, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy chọn Mỹ là đích đến đầu tiên trong năm 2011 - năm có ý nghĩa quan trọng đối với Pari khi cùng lúc đảm đương cương vị Chủ tịch luân phiên


Nhóm các nước phát triển (G-8) và Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) giữa bộn bề khó khăn trong nước. Giới quan sát đánh giá đây là hoạt động khởi đầu kế hoạch đối ngoại đầy tham vọng của ông Sarkozy trong năm 2011 nhằm nâng cao hình ảnh, vị thế nước Pháp trên trường quốc tế, qua đó tìm lại lòng tin của cử tri trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống dự kiến diễn ra vào năm tới.

Đối nội khó khăn…

Nước Pháp tiễn biệt năm 2010 và đón chào năm 2011 bằng những con số hết sức bất lợi cho Tổng thống Sarkozy. Kết thúc năm 2010, thâm hụt ngân sách của Pháp lên tới khoảng 7,7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tỷ lệ thất nghiệp xấp xỉ 10%, trong khi đó tăng trưởng kinh tế có thể chỉ đạt 0,9% so với mức dự báo khoảng 1,5%.


Đặc biệt, tình trạng căng thẳng xã hội tăng cao do đa số người dân phản đối mạnh mẽ kế hoạch cải cách chế độ hưu trí (tăng tuổi nghỉ hưu từ 60 lên 62), cải cách hệ thống giáo dục đại học, vấn đề nhà ở… Nhiều cuộc biểu tình biến thành bạo loạn đường phố đã nổ ra khắp nơi trên cả nước.

Hai Tổng thống N. Sarkozy (trái) và B. Obama trong cuộc họp báo chung tại Nhà Trắng ngày 10/1.

Để lấy lại lòng tin của người dân, Tổng thống Sarkozy đã đưa ra những ưu tiên trong chương trình hành động của chính phủ. Trước hết là tạo thêm công ăn việc làm cho giới trẻ, cải cách chế độ giúp đỡ người cao tuổi và cải cách thuế khóa.


Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, những kế hoạch trên khó có thể được giải quyết thành công, bởi vì ông Sarkozy không còn nhiều thời gian để thực hiện những ý tưởng của mình, trong khi các ưu tiên của ông lại mâu thuẫn với mục tiêu cắt giảm chi tiêu nhà nước nhằm giảm thâm hụt ngân sách.


Bên cạnh đó, uy tín của ông chủ điện Élysée đang bị sụt giảm nghiêm trọng. Kết quả các cuộc thăm dò dư luận mới đây cho thấy, có tới 64% người dân Pháp không tin tưởng là chính phủ vừa mới được ông Sarkozy cải tổ sẽ đáp ứng được những mong đợi của người dân nước này.


Đây cũng là mức ủng hộ thấp nhất dành cho một tổng thống Pháp trong nhiều thập kỷ qua.

… hướng tới đối ngoại

Ý thức được những khó khăn trong nước không thể giải quyết thành công trước thời điểm cử tri đi bỏ phiếu bầu tổng thống mới vào năm 2012, Tổng thống Sarkozy đã lên một kế hoạch đối ngoại đầy tham vọng nhằm nâng cao hình ảnh, vị thế nước Pháp trên trường quốc tế và qua đó uy tín của ông cũng được tăng lên.


Trên cương vị Chủ tịch của hai diễn đàn lớn của thế giới là G-8 và G-20, ông Sarkozy đặt ra mục tiêu cải cách hệ thống tiền tệ thế giới, điều tiết các thị trường nguyên liệu, lương thực - thực phẩm, đổi mới hệ thống quản trị toàn cầu. Trong khi đó các nước thành viên G-8 sẽ tiến hành thảo luận về vấn đề an toàn thông tin Internet, buôn bán ma túy và tham nhũng, đấu tranh chống tội phạm mạng và bảo vệ quyền tác giả trên mạng Internet. Bên cạnh đó, Tổng thống Sarkozy cũng muốn tìm ra một hệ thống nhằm giúp đỡ các nước là nạn nhân của tình trạng đầu cơ, kiểm soát các dòng vốn. Pháp muốn tăng cường vai trò của Quyền rút vốn đặc biệt được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sử dụng, có khả năng cạnh tranh với đồng USD.

Tuy nhiên, thực hiện các mục tiêu này không phải dễ, đặc biệt trong bối cảnh G-8 được coi là diễn đàn đã “lỗi thời”, trong khi đó G-20 đang có nguy cơ rơi vào lối mòn trong cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu.


Về vấn đề tỷ giá, Mỹ cáo buộc các đối tác thương mại như Trung Quốc, Đức phải có trách nhiệm đối với vấn đề thâm hụt thương mại của họ. Song đây lại là một chủ đề rất tế nhị đối với Pháp, bởi Pari không muốn làm mất lòng Béclin.


Pháp cũng dự định đạt được một số kết quả cụ thể trong vấn đề năng lượng và nông nghiệp. Pari đòi hỏi sự minh bạch về lượng dự trữ nhiên liệu và nông sản nhằm hạn chế sức nóng của những thị trường này, vốn đang có nguy cơ đe doạ sự phục hồi kinh tế và gây bất ổn xã hội. Thế nhưng, vấn đề này khó có thể nhận được cái “gật đầu” từ các đối tác như Trung Quốc, Ấn Độ hay Nga.


Ngoài ra, Pháp còn mong muốn kiểm soát các thị trường phái sinh về nguyên liệu, nhưng lại vấp phải sự dè dặt từ Mỹ.

Lường trước được những khó khăn kể trên nên Pari đã mở một chiến dịch ngoại giao tổng lực nhằm tạo ra sự đồng thuận tối đa giữa các nước thành viên trong việc thực hiện những mục tiêu đã đề ra.


Và chuyến thăm Mỹ dù chỉ kéo dài 1 ngày của Tổng thống Sarkozy được coi là bước đi đầu tiên trong chiến dịch trên nhằm tranh thủ sự ủng hộ của Oasinhtơn, đồng minh lớn bên kia bờ Đại Tây Dương.


Bên cạnh việc thảo luận với Tổng thống Obama một số vấn đề quốc tế nóng bỏng như tình hình an ninh và chính trị ở Xuđăng, Irắc, Trung Đông... thì mục đích chính vẫn là tìm kiếm sự ủng hộ của Oasinhtơn cho những mục tiêu toàn cầu của Pari trên cương vị Chủ tịch G-8 và G-20.


Pari hiểu hơn ai hết sự ủng hộ của Mỹ, nền kinh tế số 1 thế giới, nước có tiếng nói quan trọng hàng đầu tại các thể chế quốc tế hiện nay, có ý nghĩa như thế nào đối với nhiệm kỳ Chủ tịch của Pháp trong năm nay - một nhiệm kỳ gắn bó mật thiết với tương lai chính trị của Tổng thống Sarkozy sau cuộc bầu cử năm 2012.


Hình ảnh, vị thế nước Pháp trên trường quốc tế tăng lên thì hy vọng của ông Sarkozy tái đắc cử trong cuộc bầu cử Tổng thống vào năm tới càng có cơ sở.

Dương Trí

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN