Khám phá nguồn gốc nụ hôn

Các cặp tình nhân thường dùng nụ hôn để thể hiện tình yêu nồng cháy dành cho nhau. Có thể nói nụ hôn ngọt ngào là thứ gia vị tuyệt vời cho tình yêu nhưng không phải ai cũng biết về nguồn gốc xa xưa của hành động hôn - một trong những hành vi được coi là kỳ lạ nhất của con người.

Hôn môi là “đặc quyền” của những đôi lứa yêu nhau.


Theo các chuyên gia, hôn được “tiến hóa” từ ngửi - hành động mà loài người cách đây nhiều thế kỷ coi là một cách để tìm hiểu về nhau. Ông Vaughn Bryant, nhà nhân loại học của trường Đại học Texas A&M, cho biết: Con người thời đó thường hít ngửi và khi chạm vào môi đối phương, họ thấy điều này thích thú hơn nhiều.


Trong phần lớn lịch sử thuở ban đầu của loài người, đối với quan hệ giữa người và người, khứu giác quan trọng hơn bất kỳ giác quan nào. Con người sẽ dùng khứu giác để xác định tâm trạng, sức khỏe và vị thế xã hội của đối phương.


Có rất nhiều cách chào theo kiểu hít ngửi. Họ thường chạm mũi của mình lên khắp khuôn mặt người đối diện vì trên mặt có nhiều tuyến mùi. Rồi dần dần, chạm mặt trở thành chạm môi và cách chào hỏi xã hội ra đời từ đó.


Trong khi đó, theo một giả thiết khác, hôn là một biểu hiện tình cảm lãng mạn được cho là bắt nguồn từ Ấn Độ. Sử thi Mahabharata có những đoạn miêu tả nụ hôn lãng mạn lần đầu tiên được ghi nhận trong lịch sử. Sử thi có câu: Nàng đặt miệng nàng lên miệng tôi và tạo ra một thứ âm thanh khiến tôi lâng lâng.


Các sử gia cho rằng vào thời đó, tức 1.000 năm trước Công nguyên, nụ hôn lãng mạn là điều còn mới mẻ với cả thế giới và Alexander Đại đế là người mang nụ hôn tới châu Âu. Thời Hy Lạp cổ đại, hôn là một cách để trao đổi thông tin về vị thế, cấp bậc và sự trung thành giữa các quân nhân hoặc thành viên triều đình. Đó là một cách để thể hiện cấp bậc xã hội.


Hôn cũng được đề cập trong sử thi Odyssey của Homer. Tuy nhiên, hôn ở đây là mang nghĩa thỉnh cầu chứ không có nét lãng mạn. Ví dụ điển hình là câu: Odysseus trở về nhà và được một nô lệ hôn.


Vị trí nụ hôn trên cơ thể sẽ tiết lộ cấp bậc trong quân đội hoặc hoàng tộc. Những người có địa vị xã hội ngang bằng thường hôn trực tiếp lên môi nhau. Còn những binh sĩ cấp dưới, người hầu, nô lệ phải hôn lên má, tay, chân, gấu áo của cấp trên. Hoặc thậm chí người ta hôn lên mặt đất trước chỗ đứng của người bề trên - những người có địa vị cao đến mức họ không thể hôn trực tiếp. Hành động này còn tiếp diễn đến tận thế kỷ thứ 18.


Đến thời Julius Caesar, nhà thơ Ovid trong bài thơ “Amores” (Tình yêu) đã nhắc đến nụ hôn mà người La Mã cổ đại gọi là “nụ hôn lưỡi chạm lưỡi” - cách hôn mà chúng ta ngày nay gọi là nụ hôn kiểu Pháp.


Hoàng đế La Mã Tiberius tìm cách cấm người ta hôn nhau vì ông cho rằng hôn làm lây lan bệnh phong. Tuy nhiên, ông đã không thành công vì lúc này, mọi người đã thực sự thích hôn.


Tuy nhiên, “kẻ phá bĩnh” lớn nhất của nụ hôn là người Thiên chúa giáo thời kỳ đầu. Hành động hôn được đề cập đến chín lần trong Kinh thánh nhưng chỉ có một lần nụ hôn mang ý nghĩa lãng mạn. Còn lại toàn những nụ hôn có ý nghĩa chào hỏi, chinh phục hay phản bội như nụ hôn của Judas dành cho Chúa.


Một số giáo hoàng trong nhiều năm đã tìm cách cấm nụ hôn lãng mạn. Năm 1312, Giáo hoàng Clement V đã ra sắc lệnh rằng “hôn với mục đích gian dâm sẽ bị coi là một trọng tội”.


Lúc bấy giờ, phần lớn thế giới không biết hôn là gì. Khi những người truyền giáo châu Âu sang châu Phi, châu Á và châu Đại Dương hồi thế kỷ 19, họ đã khiến cho nụ hôn trở nên phổ biến ở những nơi vốn coi hôn là hành động “ghê tởm”. Theo các nhà sử học, họ đã mang cả nụ hôn và Chúa đến với rất nhiều người.


Thời đó ở Nhật Bản, nụ hôn bị coi là xúc phạm khi nó được người Mỹ giới thiệu. Khi bức tượng của Rodin mang tên “Nụ hôn” được trưng bày ở thủ đô Tokyo những năm 1920, nó đã bị giấu đằng sau một bức mành tre. Các cảnh hôn nhau trong phim Hollywood khi chiếu ở Nhật Bản sau Chiến tranh Thế giới thứ hai đều bị cắt cúp.


Giờ đây, hôn là hành động biểu tượng của tình yêu, trong đó hôn môi là “đặc quyền” của những đôi lứa yêu nhau.


Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN