Khách hàng có thể mất 60% tiền gửi tại Cyprus

Những khách hàng có tiền gửi tại Ngân hàng Cyprus (Síp) đang phải đối mặt với nguy cơ mất tới 60% tiền gửi trong các tài khoản có số dư trên 100.000 euro (khoảng 128.000 USD).

Biểu tình trước trụ sở Ngân hàng Cyprus ngày 26/3. Ảnh: THX/TTXVN



Theo thông báo của Ngân hàng Trung ương Cyprus, 37,5% khoản tiền tiết kiệm trong những tài khoản trên 100.000 euro sẽ được chuyển thành cổ phiếu ngân hàng và 22,5% sẽ tạm thời được giữ lại nhằm đảm bảo rằng ngân hàng này đáp ứng được các điều kiện tái cấu trúc vốn. 40% số tiền còn lại trong các tài khoản trên sẽ "tạm bị đóng băng" nhằm đáp ứng khả năng thanh toán đang trong tình trạng rất khó khăn hiện nay ở Cyprus.


Tuy nhiên, trong khoản tiền trên, ngoài việc được tính tiếp mức lãi suất như hiện nay được cộng dồn lại sau này, khách hàng sẽ được hưởng thêm 10% nữa. Mặc dù người gửi tiền tại Ngân hàng Cyprus cuối cùng có thể chuyển đổi cổ phần của họ thành tiền trở lại, song vào thời điểm này, giá trị cổ phiếu đang xuống thấp và không chắc khi nào thì giá cổ phiếu mới lên lại để bù vào khoản thiệt hại của khách hàng.


Những chính sách trên là một phần trong những điều kiện mà nhóm "bộ ba" chủ nợ quốc tế, gồm Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) yêu cầu Cyprus thực hiện để đổi lấy gói cứu trợ trị giá 10 tỷ euro, cứu hệ thống ngân hàng nước này thoát khỏi nguy cơ sụp đổ. Ngoài yêu cầu trên, Cyprus còn phải đóng cửa một số ngân hàng; cơ cấu lại các khoản nợ công; tư hữu hóa một số tài sản quốc gia; tăng thuế doanh nghiệp; chấp nhận hoạt động thanh tra độc lập về chống rửa tiền và áp dụng quy chuẩn của EU về ngân hàng.


Bộ trưởng Tài chính Cyprus Michalis Sarris khẳng định các biện pháp trên được áp đặt là nhằm cân bằng khả năng thanh toán của Ngân hàng Cyprus, hiện nắm giữ tới 1/3 lượng tiền gửi ở quốc đảo này. Theo ông Sarris, Cyprus đang phải hứng chịu một đòn mạnh giáng vào hệ thống tài chính, song Cyprus cần có một ngân hàng, phải được cải cách để sẵn sàng đảm nhận vai trò cứu nguy cho nền kinh tế.


Mặc dù vậy, các nhà phân tích cho rằng những thiệt hại lớn nhất chủ yếu nhằm vào những doanh nghiệp, đang gửi tiền trong hệ thống ngân hàng để chi trả cho các nhà cung cấp và nhân công. Những qui định áp đặt cho những tài khoản có số dư trên 100.000 euro có thể sẽ càng gây áp lực hơn cho các doanh nghiệp vốn đang hết sức khó khăn này. Một điều tất yếu, khi các doanh nghiệp rơi vào tình trạng thua lỗ, Cyprus có thể bị kéo vào cuộc suy thoái, thậm chí còn trầm trọng hơn nhiều so với hiện nay.


Trước đó, ngày 29/3, Ngân hàng Trung ương Cyprus đã dỡ bỏ mọi hạn chế về thanh toán bằng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ nội địa, vốn được áp đặt do những quan ngại về "cạn tiền ngân hàng" sau khi Nicosia nhận được thỏa thuận cứu trợ của "bộ ba" chủ nợ quốc tế.


Cyprus tìm kiếm gói cứu trợ vỡ nợ từ EU và IMF từ tháng 6 năm ngoái nhưng không thành công, do người đứng đầu Nhà nước lúc đó là cựu Tổng thống Demetris Christofias không chấp nhận các điều kiện cứu trợ. Trước nguy cơ nền kinh tế và hệ thống ngân hàng của Síp sụp đổ vào ngày 25/3, các quan chức EU và IMF đã đạt thỏa thuận vào phút chót với Cyprus về gói cứu trợ 10 tỷ euro nói trên. Theo đó, Cyprus phải đóng cửa một số ngân hàng; cơ cấu lại các khoản nợ công; tư hữu hóa một số tài sản quốc gia; tăng thuế doanh nghiệp; chấp nhận hoạt động thanh tra độc lập về chống rửa tiền và áp dụng quy chuẩn của EU về ngân hàng.



TTXVN/Tin tức
Gói cứu trợ cho Cyprus - thuốc đắng có giã tật?
Gói cứu trợ cho Cyprus - thuốc đắng có giã tật?

Những ngày qua, CH Cyprus, quốc đảo nhỏ bé ở Địa Trung Hải với 1,1 triệu dân đã trở thành điểm nóng trên bản đồ kinh tế thế giới, và cũng là “tâm bão” ở Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN