Kế hoạch 10 điểm của Ba Lan để giải quyết vấn đề Ukraine

Cùng với Slovenia và Séc, Ba Lan đã soạn thảo danh sách các hành động mà họ cho rằng EU cần phải thực thi nếu thực sự muốn kết thúc xung đột ở Ukraine.

Trang tin Politico.eu mới đây đã đăng tải bài viết của Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki, trong đó đề cập đến 10 vấn đề mà EU có thể thực hiện nhằm chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine.

Ông Morawiecki cho rằng ở Kiev có một trận chiến đang được tiến hành - không chỉ vì tương lai của Ukraine, mà còn vì tương lai của toàn lục địa và nếu Kiev thất thủ, đó sẽ là sự kết thúc của châu Âu.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Ba Lan nhấn mạnh rằng một tháng đã trôi qua kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine. Kể từ đó, phương Tây đã áp đặt bốn gói trừng phạt đối với Nga, nhưng cuộc xung đột vẫn tiếp diễn. Các biện pháp này rõ ràng là không đủ, nhiều việc cần được thực hiện ngay và nhanh chóng.

Do đó, ngoài việc cắt các khoản thanh toán cho dầu, khí đốt và than càng sớm càng tốt, Ba Lan, Slovenia và Séc đã chuẩn bị một kế hoạch 10 điểm để hỗ trợ Ukraine và chấm dứt xung đột:

Đầu tiên, ngắt tất cả các ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Nếu không, nền kinh tế Nga sẽ thích nghi với các điều kiện mới trong vòng vài tuần.

Thứ hai, EU đưa ra một chính sách tị nạn chung cho những người lính Nga từ chối phục vụ trong quân đội của họ.

Thứ ba, EU ngăn chặn hoàn toàn chiến dịch tuyên truyền của Nga ở châu Âu. 

Thứ tư, EU chặn các tàu Nga đến các cảng của châu Âu.

Thứ năm, việc phong tỏa tương tự cần được thực hiện đối với các phương tiện giao thông đường bộ trong và ngoài nước Nga.

Thứ sáu, EU đưa ra các chế tài không chỉ đối với các nhà tài phiệt mà đối với toàn bộ môi trường kinh doanh của họ.

Thứ bảy, EU đình chỉ cấp thị thực cho tất cả công dân Nga muốn vào EU.

Thứ tám, EU áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với tất cả các thành viên trong đảng Nước Nga Thống nhất do Tổng thống Nga Vladimir Putin lãnh đạo.

Thứ chín, EU phải áp đặt lệnh cấm hoàn toàn đối việc xuất khẩu sang Nga các công nghệ có thể được sử dụng cho cuộc xung đột.

Và thứ mười, loại Nga khỏi tất cả các tổ chức quốc tế. 

Theo ông Morawiecki, nếu EU muốn khôi phục hòa bình, Moskva cần biết đâu là lằn ranh đỏ - lằn ranh mà họ không thể vượt qua. Việc Nga có kho vũ khí hạt nhân không thể là cái cớ cho sự bị động của EU. EU phải nhận thức được mối đe dọa này, nhưng nó không thể ngăn cản châu Âu, nếu không, Nga sẽ tiếp tục "lấn tới".

Trong khi đó, Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, mới đây một lần nữa nhấn mạnh chiếm đóng Ukraine không phải là mục tiêu của Nga. Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình CNN, ông nói khẳng định quân đội Nga không tấn công các mục tiêu dân sự và việc chiếm đóng không phải là một trong những mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt của Moskva tại Ukraine.

Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Peskov cũng đồng thời nhấn mạnh chiến dịch này đang diễn ra theo đúng nhiệm vụ và kế hoạch đã đề ra từ đầu. Ông nói: “Chiến dịch được tiến hành nghiêm ngặt theo đúng kế hoạch và nhiệm vụ đặt ra từ trước. Đây là một hoạt động nghiêm túc với các mục tiêu nghiêm túc.” Quan chức Nga khẳng định quân đội Nga không được phép làm hại tới dân thường.

Trước đó, ngày 24/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine nhằm đáp lại lời kêu gọi giúp đỡ của lãnh đạo các vùng lãnh thổ Donetsk và Luhansk tại miền Đông Ukraine. Ông nhấn mạnh rằng các kế hoạch của Moskva không bao gồm việc chiếm đóng các vùng lãnh thổ của Ukraine mà nhằm mục tiêu là phi quân sự hóa và quy chế trung lập của Ukraine. Bộ Quốc phòng Nga khẳng định quân đội nước này không tấn công vào các thành phố, mà chỉ vô hiệu hóa các cơ sở hạ tầng quân sự, vì vậy không có nguy cơ đe dọa đến dân thường.

Công Thuận/Báo Tin tức
Ba Lan đề xuất cử phái bộ gìn giữ hòa bình tới Ukraine
Ba Lan đề xuất cử phái bộ gìn giữ hòa bình tới Ukraine

Theo phóng viên TTXVN tại Đông Âu, ngày 23/3, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết ông sẽ chính thức đưa ra đề xuất về cử một phái bộ gìn giữ hòa bình tới Ukraine tại Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sắp tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN