Kế hay trị “bợm rượu” tại Hà Lan

Công viên Oosterman ở thủ đô Amsterdam, Hà Lan thường là nơi tụ tập của các “đệ tử lưu linh”, những người lúc nào cũng trong cơn say triền miên. Họ đánh lộn, làm ồn, buông lời trêu ghẹo phụ nữ. Tuy nhiên, vào một ngày nọ, thay vì gây phiền toái chốn công cộng, nhóm “bợm rượu” này lại dọn dẹp đường phố quanh công viên để được nhận bia, thuốc lá miễn phí.

Dọn dẹp và được uống bia miễn phí.

Sự thay đổi này là nhờ dự án của Tổ chức Cầu vồng, hoạt động nhờ tiền quyên góp và hỗ trợ của nhà nước. Theo bà giám đốc dự án, Gerrie Holterman, mục tiêu của dự án là khiến cho những người nghiện bia rượu có việc để làm và không gây rắc rối tại công viên.


Cứ chín giờ sáng, nhóm “bợm rượu” lại tập trung trong một khu vườn để chuẩn bị làm việc. Họ chia thành hai nhóm, mỗi nhóm khoảng 10 người, làm việc ba ngày/tuần. Tiền công cho mỗi ngày làm việc là 10 euro, một nửa bao thuốc lá cuộn và thứ quan trọng nhất là năm lon bia: hai lon dùng để “súc miệng” buổi sáng, hai lon lót dạ cùng bữa trưa và một lon giải khát sau khi làm việc xong lúc 15 giờ 30. Bia được phát trong dự án cũng chỉ là loại 5%, nhẹ hơn loại 11% hay 12% mà họ thường uống.


Bà Gerrie thường ngồi cạnh một cái bàn rộng, ghi chép cẩn thận số lượng bia mà từng người uống. Việc ghi chép này cũng diễn ra trong không khí tin tưởng lẫn nhau. Khi bà có việc đi đâu đó, những “bợm rượu” lại tự động ghi lại số lon bia họ uống. Về lợi ích của dự án, bà Gerrie giải thích: “Ai cũng có lợi. Họ không còn tụ tập trong công viên, họ uống ít hơn, họ ăn tốt hơn và họ có việc để bận rộn trong ngày”.


Dân cư sống trong khu vực công viên Oosterman là những người cảm thấy thoải mái đầu tiên, khi không còn cảnh lộn xộn ở đây. Nhiều người còn chào những “bợm rượu” khi họ đang quét dọn đường phố.


Một trong những người ủng hộ nhiệt tình dự án này nhất là bà Fatima Elatik, người đứng đầu một quận ở phía đông Amsterdam. Bà cho rằng tạo công ăn việc làm cho người nghiện bia rượu và chỉ phát cho họ bia có ít nồng độ cồn là một cách hay hơn là tẩy chay họ.


Những người tham gia dự án đều vui vẻ đến và tham gia tự nguyện. Một tình nguyện viên 45 tuổi tên Frank thừa nhận ông từng bị bắt giam vì gây bạo lực, chưa bao giờ làm việc cho ai và không có nơi ở cố định. Tuy nhiên, Frank cũng cho biết dự án đã khiến cuộc sống của những người như ông có ý nghĩa hơn.


Một người khác tham gia dự án, ông Vincent 48 tuổi, cho biết sau khi có một ngày bận rộn, ông về nhà và thấy không cần thiết phải uống rượu nữa. Ông vui vẻ: “Tôi cảm thấy hài lòng vì đã hoàn thành một công việc có ích và ít nhiều đóng góp cho xã hội”.


Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN