Thủ tướng Italy Matteo Renzi trong cuộc họp báo sau Hội nghị thượng đỉnh EU ở Bratislava, Slovakia ngày 16/9. Ảnh: EPA/TTXVN |
Vào ngày 4/12 tới, người dân Italy sẽ tham gia cuộc trưng cầu ý dân về việc liệu có sửa đổi hiến pháp quốc gia hay không. Điều này sẽ nắm vai trò chìa khóa theo chốt để mở cánh cửa cho phép Thủ tướng Matteo Renzi thực hiện cải tổ kinh tế nước nhà.
Theo đó, nếu hiến pháp Italy được thay đổi, Thượng viện sẽ có tiếng nói ít trọng lượng hơn Hạ viện. Điều này phối hợp với luật bầu cử mới đảm bảo các đảng lớn chiếm được số đông sẽ tạo đòn bảy để Thủ tướng Renzi có khả năng thực thi chương trình cải tổ kinh tế mà ông ủng hộ.
Cuộc trưng cầu ý dân còn được coi là phán quyết cho số phận trên chính trường của ông Renzi, theo đó, vị Thủ tướng đương nhiệm có thể từ chức nếu người dân lựa chọn “không” nhiều hơn.
Những cuộc điều tra ý kiến ban đầu cho thấy người dân Italy đang nghiêng về phía phản đối thay đổi hiến pháp. Trong khi đó, các nhà kinh tế học khẳng định “đất nước hình chiếc ủng” cần phải thay đổi hiến pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Năm 2016, Italy đối mặt với nhiều khó khăn do kinh tế phát triển chậm, tỉ lệ thất nghiệp cao và hệ thống ngân hàng chịu áp lực nặng nề. Các ngân hàng Italy đang "ôm" số nợ xấu cao, theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế là 400 tỉ USD. Lựa chọn “không” sẽ khiến các ngân hàng Italy “chật vật” hơn để xoay xở.
Cuộc tổng tuyển cử quốc gia Italy dự kiến được tổ chức vào năm 2018 nhưng điều này có thể diễn ra trước thời hạn nếu Thủ tướng Renzi nhận “kết quả không mong muốn” trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 4/12.
Điều đáng nói là theo kênh CNBC, nếu ông Renzi từ chức, đảng cánh hữu “Phong trào 5 sao” do cựu danh hài Beppe Grillo đứng đầu sẽ lên ngôi. Điều đáng quan tâm là Phong trào 5 sao có chủ chương ủng hộ Italy rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).