Italia có thủ tướng mới

Rạng sáng 14/11 (giờ Việt Nam), Tổng thống Italia Giorgio Napolitano đã chính thức chỉ định cựu Uỷ viên châu Âu Mario Monti làm thủ tướng tạm quyền của nước này sau khi Thủ tướng Silvio Berlusconi từ chức hôm 12/11. Quyết định này được Tổng thống Napolitano đưa ra sau cuộc tham vấn lãnh đạo các chính đảng ở Italia và đã được sự đồng ý của ông Monti.

Thủ tướng tạm quyền Mario Monti phát biểu tại cuộc họp báo ở Rôma sau khi được bổ nhiệm. Ảnh: THX - TTXVN


Ông Monti giờ đây được giao trọng trách thành lập một chính phủ mới để chèo lái đất nước thoát khỏi tình hình kinh tế khó khăn hiện nay. Dự kiến Thủ tướng tạm quyền Monti sẽ sớm đệ trình lên quốc hội danh sách các thành viên trong chính phủ kỹ trị của ông cùng với một “chiến lược cứu nguy” nền kinh tế để xem xét thông qua. Tiến trình này có thể mất một vài ngày.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau khi được bổ nhiệm, ông Monti cam kết: "Tôi sẽ thực thi nhiệm vụ với trách nhiệm cao nhất để phục vụ đất nước". Thủ tướng tạm quyền cũng nhấn mạnh, Italia cần tăng trưởng dựa trên công bằng xã hội và xây dựng một tương lai vững chắc cho thế hệ sau.

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) hoan nghênh việc bổ nhiệm ông Monti cũng như động thái của Italia hướng tới một chính phủ đoàn kết dân tộc. Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde mong muốn Italia ổn định chính trị và có chính sách rõ ràng. Ông Klaus Regling, Giám đốc Quỹ ổn định tài chính châu Âu (EFSF), kêu gọi chính phủ mới của Italia hành động mau lẹ để trấn an thị trường. Theo ông, Italia không có nhiều thời gian để lấy lại niềm tin của thị trường vào nền tài chính công vốn đang căng thẳng và cần có một chính phủ có trách nhiệm càng sớm càng tốt.

Theo báo chí Italia và châu Âu, với cuộc tổng tuyển cử kế tiếp sẽ diễn ra vào đầu năm 2013, chính phủ kỹ trị mới của ông Monti sẽ có khoảng 18 tháng để thông qua các biện pháp cải cách đầy đau đớn nhằm cắt giảm nợ công và thúc đẩy tăng trưởng, và điều này cần có sự ủng hộ của đa số tại quốc hội. Nhiều nhà quan sát cho rằng nếu không đạt được những thành công nhất định nhằm duy trì được đa số ủng hộ trong quốc hội, chính phủ của ông Monti có thể sẽ không thể đứng vững đến thời điểm diễn ra cuộc tổng tuyển cử mới.

Italia gặp khó đến mức nào?

Với khoản nợ công tương đương 120% GDP; chi phí vay mượn và tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao, Italia đang là trung tâm của cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu và một số nhà phân tích cho rằng nợ công của nước này quá lớn (khoảng 1.900 tỷ euro, hơn 2.600 tỷ USD) nên không thể cứu trợ. Nếu lãi suất trái phiếu chính phủ của Italia vẫn duy trì ở mức khoảng 7%, vào năm 2012, Italia dự kiến sẽ phải huy động trên 400 tỷ euro để trả nợ và lãi. Dư luận nhìn chung đang có những đánh giá khá bi quan về nền kinh tế của Italia, cho rằng nước này có thể nối gót Hy Lạp trở thành nạn nhân kế tiếp của cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu nếu không có sự cứu trợ của Liên minh châu Âu (EU).

Tuy nhiên, vẫn có ý kiến trái chiều nhận định nền kinh tế Italia không đến nỗi quá bi đát như vậy. Thâm hụt ngân sách dự kiến khoảng 4% GDP trong năm 2011 của Italia thuộc mức thấp ở châu Âu và ít hơn khoảng 1/3 so với mức trung bình của 34 nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Theo Ngân hàng Deutsche Bank của Đức, tỷ lệ thâm hụt ngân sách của Italia dự kiến sẽ giảm xuống còn 2,2% GDP vào năm 2012, so với mức 6,2% của Mỹ, 6,9% của Anh và 5% của Pháp, Tây Ban Nha.

Ngoài ra, tỷ lệ nợ tư nhân ở Italia khá thấp. Các gia đình Italia thường chi tiêu không vượt quá khoản tiền mà họ làm ra, đồng thời tình trạng cầm cố tài sản hầu như rất ít. Italia có nền kinh tế khá đa dạng và cũng chưa bao giờ rơi vào vòng xoáy bùng nổ - đổ vỡ của khu vực bất động sản vốn đã từng tác động mạnh đến Tây Ban Nha, Ailen và Mỹ. Theo các tiêu chuẩn toàn cầu thì Italia vẫn khá giàu. Tờ Financial Times (Thời báo Tài chính) của Anh mới đây đưa tin, giá trị tài sản ròng trung bình của mỗi hộ gia đình ở nền kinh tế lớn thứ 8 thế giới và thứ 3 ở khu vực đồng euro này là 350.000 euro và điều đó cho thấy, Italia vẫn có đủ tài sản, của cải để tự giải cứu chính mình.

Ngự Bình (P/v TTXVN tại Italia) – T.D

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN