ISIL - Mối đe dọa lớn đối với Trung Đông

Iraq đang trong tình trạng nguy cấp khi lực lượng thuộc tổ chức "Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và vùng Levant" (ISIL), với nòng cốt là những người Hồi giáo dòng Sunni, liên tục chiếm giữ các thành phố trọng yếu và đang tiến gần về thủ đô Baghdad. ISIL đang trở thành mối đe dọa an ninh ngày càng lớn không chỉ đối với Iraq mà nhiều nước trong khu vực, thậm chí cả Mỹ. Sự lớn mạnh của ISIL sẽ càng làm cho cuộc xung đột sắc tộc trở nên căng thẳng và đẫm máu hơn, đồng thời kích động các nhân tố cực đoan. Vậy ISIL là ai?

ISIL được thành lập vào tháng 4/2013. Tuy vừa ra đời, song nó đã chứng tỏ sự tàn bạo đến mức ngay cả mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda cũng phải "ngán".

Trên thực tế, tiền thân của ISIL là tổ chức "Nhà nước Hồi giáo Iraq" (ISI), một chi nhánh của al-Qaeda được hình thành sau khi chính quyền của Tổng thống Mỹ George Bush phát động cuộc chiến tại Iraq năm 2003.

Khi cuộc nội chiến ở Syria nổ ra cách đây vài năm, ISI chủ yếu chỉ đóng vai trò "nhà tài trợ" cho Mặt trận al-Nusra, nhóm thánh chiến chính tại Syria được thành lập giữa năm 2011. Tuy nhiên, khi nhận thấy al-Nusra ngày càng vững mạnh, ISI đã nảy ra ý tưởng cạnh tranh ảnh hưởng và vì thế, ISIL ra đời dưới sự dẫn dắt của Abu Bakr al-Baghdadi.

Là người có tư tưởng đặc biệt cực đoan nên chỉ sau một thời gian ngắn điều hành hoạt động của ISIL tại Syria, Baghdahi đã đưa tổ chức này trở thành lực lượng thánh chiến tàn bạo nhất trong khu vực. Đây là nguyên nhân khiến ISIL bị Ayman al-Zawahiri - thủ lĩnh mới của Al-Qaeda, thay thế Osama bin Laden - yêu cầu chuyển địa bàn hoạt động về Iraq.

Ngay khi trở về, ISIL đã lập tức "làm mưa, làm gió" trên mảnh đất cố hương. Để chống lại chính phủ của người Shi'ite do Thủ tướng Nuri al-Maliki đứng đầu, ISIL - với nòng cốt là các tay súng cực đoan người Sunni - đã thực hiện chiến lược tấn công chớp nhoáng, lần lượt đánh chiếm các thành phố lớn ở Iraq, trong đó có thành phố Mosul lớn thứ hai và thành phố Tikrit, quê hương của cố Tổng thống Saddam Hussein.

Theo các nguồn tin, ISIL hiện có hơn 10.000 thành viên, chủ yếu là các tay súng quy nạp từ Syria, Iraq. Đáng quan ngại, một số thành viên của tổ chức này là công dân các nước ngoài khối Arab. ISIL còn là một trong những tổ chức thánh chiến giàu nhất thế giới do đẩy mạnh hoạt động tống tiền, cướp bóc ngân hàng, chiếm giữ các giếng dầu ở Iraq, Syria và nhận được tiền từ một số nhà bảo trợ giàu có ở Trung Đông.

Phiến quân ISIL trên một đường phố ở Baiji, tỉnh Salaheddin ngày 17/6. Ảnh: AFP - TTXVN


Với những thế mạnh và chiến lược hoạt động bài bản, các tay súng có khả năng chiến đấu tốt và được trang bị nhiều vũ khí hiện đại, ISIL đang nổi lên là tổ chức thánh chiến hàng đầu và trong tương lai có thể làm đảo lộn bản đồ địa chính trị Trung Đông. Một minh chứng cho nhận định này là sau khi chiếm đóng thành phố Mosul, ISIL đã phá vỡ các hàng rào ngăn cách Mosul với thành phố Al-Shadadi của Syria để tuồn vũ khí sang quốc gia láng giềng. Trong lịch sử Trung Đông hiện đại, chưa bao giờ có tổ chức thánh chiến nào có thể ngang ngược đến vậy. Cũng chưa bao giờ đường biên giới giữa một số nước trong khu vực lại trở nên vô nghĩa như hiện nay khi ISIL có thể tự do di chuyển giữa Iraq và Syria mà không vấp phải trở ngại đáng kể nào.

Không chỉ đẩy mạnh các cuộc tấn công chiếm đóng ở Iraq, ISIL còn tuyên bố thành lập “caliphate” (Vương quốc Hồi giáo – IS) trải dài từ tỉnh Aleppo ở phía Bắc Syria tới tỉnh Diyala ở phía Đông Iraq. Các nhà phân tích cho rằng mặc dù việc thành lập “caliphate” có thể không tác động nghiêm trọng ngay đến tình hình thực địa, song nó cho thấy chiến lược rõ ràng của tổ chức này muốn kiểm soát toàn bộ thế giới Hồi giáo trong tương lai. Nó cũng đánh dấu bước ngoặt mới trên bản đồ tranh giành ảnh hưởng giữa các phe phái sắc tộc và các nhóm thánh chiến ở “chảo lửa Trung Đông”, đồng thời báo hiệu khả năng sẽ thách thức vai trò lãnh đạo khu vực của Iran và sự can dự của Mỹ.

Điều này thể hiện rất rõ qua quá trình thay đổi mục tiêu của IS. Ban đầu, khi mới chỉ là ISIL, mục tiêu của tổ chức này là thành lập Nhà nước Hồi giáo ở Iraq. Sau đó, với việc đổi tên thành ISIL, mục tiêu đã được mở rộng thành “Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và vùng Levant”. Với cái tên ngắn gọn hiện nay, tham vọng của IS đã được mở rộng ra toàn thế giới Hồi giáo, cả về phạm vi hoạt động lẫn đối tượng chiêu mộ. Theo ông Shashank Joshi, nhà nghiên cứu thuộc Viện các quân chủng thống nhất hoàng gia ở thủ đô London (Anh), động thái trên nhằm “tiếp thêm sức mạnh cho những tín đồ Hồi giáo trên thế giới. Nó sẽ giúp IS lôi kéo các tín đồ Hồi giáo cực đoan”.

Mặc dù Mỹ tuyên bố việc IS thành lập “caliphate” chẳng có nghĩa lý gì, nhưng sự lớn mạnh của lực lượng này thì không thể xem nhẹ. Trong số khoảng 10.000 thành viên của IS có 3.000 – 5.000 tay súng ở Syria, số còn lại ở Iraq. Các tay súng IS cùng lúc chiến đấu trên nhiều mặt trận với nhiều lực lượng khác nhau như các nhóm nổi dậy ở Syria, các tay súng người Kurd ở Iraq và lực lượng quân đội ở cả hai nước.

Nếu không bị ngăn chặn kịp thời, IS sẽ nhanh chóng trở thành lực lượng nguy hiểm trong khu vực, đủ sức thách thức các chính phủ, cả theo dòng Sunni lẫn dòng Shi’ite, cũng như mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda mà IS là "con đẻ". IS từng ngang nhiên tuyên bố al-Baghdadi (thủ lĩnh của IS) sẽ là đối thủ của al-Zawahiri (thủ lĩnh al-Qaeda) trong cuộc cạnh tranh vai trò ảnh hưởng trong thế giới Hồi giáo.

Theo những tính toán ban đầu của IS, “caliphate” trước tiên sẽ bao gồm toàn bộ các cộng đồng Sunni ở Trung Đông, với lực lượng nòng cốt là hai cộng đồng người Sunni đang chống lại chính phủ do người Shi’ite kiểm soát ở Syria và Iraq. Sau đó,“caliphate” sẽ được mở rộng ra toàn bộ vùng Levant (gồm Liban, Syria, Síp, Jordan, bán đảo Sinai, Israel, Palestine, Iraq). Một khi IS được mở rộng, hai quốc gia mạnh nhất trong khu vực hiện nay là Iran và Saudi Arabia, mặc dù chưa bị đe dọa trực tiếp, song về lâu dài cũng sẽ không nằm ngoài làn sóng càn quét của IS một khi lực lượng này hội đủ sức mạnh.

Dĩ nhiên, các chính phủ dòng Shi’ite trong khu vực sẽ không ngồi yên trước những mưu đồ cũng như động thái ngày càng hung hăng của IS. Các quốc gia Hồi giáo ôn hòa, các nước phương Tây và những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới cũng sẽ không bao giờ chấp nhận sự tồn tại của một lực lượng ngang ngược như thế. Vì vậy, mọi mưu đồ hòng thay đổi bản đồ các đường biên giới ở Trung Đông sớm muộn cũng sẽ bị đẩy lùi.


Vũ Hà

EIU: Iraq khó chiếm lại những khu vực rơi vào tay ISIL
EIU: Iraq khó chiếm lại những khu vực rơi vào tay ISIL

Lực lượng An ninh Iraq chỉ có thể hạn chế phần nào hoạt động của phiến quân ISIL, chứ không có khả năng giành lại quyền kiểm soát toàn bộ vùng lãnh thổ đã mất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN