IS âm mưu một cuộc khủng hoảng lương thực mới, dọn đường sang châu Âu?

Trong khi phiến quân Hồi giáo đang ngày một thất thế tại Trung Đông, dường như chúng lại tìm một địa điểm mới khác để gây rối.

Người dân châu Phi biểu tình phản đối tổ chức khủng bố IS. Ảnh: AFP

Trả lời phỏng vấn với tờ The Guardian, Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới Liên hợp quốc David Beasley cho rằng tổ chức khủng bố IS đang lên kế hoạch gây ra một cuộc khủng hoảng lương thực tại khu vực châu Phi hạ Sahara và tạo thêm nhiều làn sóng nhập cư ồ ạt sang châu Âu.

Giám đốc Beasley cảnh báo về sự bất ổn tại khu vực Sahel (Bắc Phi): “Lời khuyên của tôi gửi tới châu Âu, nếu bạn nghĩ bạn đang phải giải quyết vấn đề từ một quốc gia 20 triệu dân như Syria với tình trạng bất ổn và xung đột, từ đó kéo theo làn sóng di cư, thì hãy chờ cho đến khi vùng Sahel với 500 triệu dân rơi vào cảnh hỗn loạn. Đây mới là nơi mà cộng đồng châu Âu và cộng đồng quốc tế phải chú ý từ bây giờ”.

Trước đó, tháng 3/2017, theo một báo cáo của công ty tình báo tư nhân Soufan Group, tổ chức khủng bố al-Qaeda tại Maghreb âm thầm mở rộng quy mô tại Bắc Phi bằng cách sát nhập với các nhóm khủng bố địa phương trong lúc cộng đồng thế giới đang dồn sự chú ý vào cuộc chiến chống IS ở Trung Đông.

Bình luận về vấn đề này, nhà phân tích chính trị Pháp Leslie Varenne nhận định bà rất ngạc nhiên bởi những lời của ông Beasley “giống hệt với những tuyên bố từ năm 2017 của Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Joseph Dunford và Thượng nghị sĩ McCain”.

“Hai người đó khẳng định châu Phi sẽ sớm trở thành ‘xương sống’ của tổ chức khủng bố IS, một điều gì đó mà khi nghe sẽ khiến mọi người hoảng sợ”, bà Varenne giải thích.

Bà Varenne nhấn mạnh bà vẫn đang theo dõi từng sự chuyển động của phiến quân từ Syria và Iraq đến phía bắc khu vực Sahel châu Phi. Tuy nhiên, không một tin mật báo nào xác nhận khủng bố IS đã xuất hiện trong khu vực. Bên cạnh đó, bà Varenne miêu tả ông Beasley không phải là một nhân vật có kinh nghiệm giải quyết các vấn đề quốc tế.

“Con số chính thức luôn dao động từ 500 tới 1.000 tay súng. Bọn họ đang quân sự hóa khu vực này như thể họ quyết định dùng một cái búa để giết một con ruồi. Chính vì vậy câu hỏi được đặt ra ở đây làm liệu họ đang tìm một cái cớ để giải quyết vấn đề bằng biện pháp quân sự thay vì biện pháp kinh tế hay liệu họ có đang tìm cách biện hộ cho sự hiện diện quân sự nước ngoài tại khu vực”.

Chuyên gia Varenne giải thích người dân tại những quốc gia vùng Sahel đang thực sự lo lắng về các hành vi vi phạm chủ quyền đất nước họ, khiến họ luôn có cái nhìn nghi ngờ đối với những người lính nước ngoài đang đóng quân trên vùng đất của họ.

“Đây là một vòng luẩn quẩn, có thể thấy nó đang diễn ra tại Afghanistan. Những người đứng đầu các quốc gia này, với sự hậu thuẫn của quân đội nước ngoài, đang truy lùng khủng bố. Nhưng cùng lúc, chính những lực lượng này lại đẩy người dân địa phương vào con đường gia nhập tổ chức khủng bố vũ trang”, bà Varenne kết luận.

Bảo Hà/Báo Tin tức
Israel nã 70 quả tên lửa, tuyên bố không kích toàn bộ hạ tầng Iran tại Syria
Israel nã 70 quả tên lửa, tuyên bố không kích toàn bộ hạ tầng Iran tại Syria

28 máy bay chiến đấu Israel đã nã 60 quả rocket không đối đất và 10 quả không đối không trong cuộc tập kích xuống Syria. Phía Israel khẳng định đã tấn công gần như toàn bộ cơ sở hạ tầng của Iran tại Syria.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN