Iran cảnh báo quyền 'răn đe' khi Mỹ gửi F-16 đến 'sân sau'

Bộ Ngoại giao Iran tuyên bố việc Mỹ triển khai thêm các tài sản quân sự ở Vịnh Ba Tư có nguy cơ gây bất ổn cho khu vực và Iran có quyền thực hiện "các biện pháp răn đe" để đáp trả tương ứng.

Chú thích ảnh
Máy bay F-16 Mỹ bay qua không phận Ai Cập. Ảnh: Lầu Năm Góc 

Theo đài Sputnik, Lầu Năm Góc đã tăng cường lực lượng đồn trú ở Trung Đông bằng các máy bay chiến đấu F-16 vào cuối tuần qua, được cho là để “ngăn chặn” Iran chiếm giữ thêm bất kỳ tàu chở dầu nào. Trong khi đó, Cộng hòa Hồi giáo Iran cho biết các vụ bắt giữ tàu của họ có liên quan đến các hoạt động buôn lậu bất hợp pháp và nỗ lực của các tàu nước ngoài nhằm chạy trốn khỏi hiện trường vụ tai nạn với tàu cá Iran.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran, Nasser Kanaani cho biết việc Mỹ triển khai thêm các tài sản quân sự ở Vịnh Ba Tư có nguy cơ gây bất ổn cho khu vực và Iran có quyền thực hiện "các biện pháp răn đe" để đáp trả tương ứng.

"Xem xét khả năng kiểm soát và khả năng của các lực lượng vũ trang liên quan đến an ninh hàng hải và hàng không ở khu vực Vịnh Ba Tư, Iran bảo lưu quyền thực hiện các quyền ngăn chặn cần thiết, tuân thủ các quy tắc và quy định của luật pháp quốc tế, đồng thời sẽ thực hiện các quyền bất khả xâm phạm của mình một cách phù hợp", ông Kanaani nói trong một cuộc họp báo ngày 17/7.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran cho biết các hành động "gây mất ổn định và khiêu khích" của Washington "có thể tạo ra sự nhạy cảm mới trong khu vực chiến lược ở Vịnh Ba Tư và gây ra tình trạng mất an ninh và bất ổn".

“Iran giám sát một cách nhạy cảm và chính xác bất kỳ hành động bất hợp pháp và thiếu tính xây dựng nào ảnh hưởng đến an ninh của khu vực, và sẽ đặc biệt chú ý đến bất kỳ động thái khiêu khích và bất hợp pháp nào, nhất là gần biên giới của mình", người phát ngôn Kanaani nhấn mạnh.

Trước đó cùng ngày 17/7, Lầu Năm Góc cho biết sẽ gửi thêm các máy bay chiến đấu F-35 và F-16, cùng một tàu chiến đến Trung Đông, trong nỗ lực giám sát các tuyến đường thủy quan trọng trong khu vực sau khi Iran bắt giữ các tàu vận tải thương mại trong những tháng gần đây.

"Lầu Năm Góc đang tăng cường sự hiện diện và khả năng giám sát eo biển Hormuz và các vùng biển xung quanh", hãng tin Reuters dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Sabrina Singh nói với các phóng viên. Không rõ chính xác các máy bay chiến đấu bổ sung sẽ được đặt ở đâu và sẽ ở trong khu vực bao lâu.

Chú thích ảnh
Máy bay F-35 của Mỹ tại căn cứ Spangdahlem gần biên giới Đức - Bỉ vào ngày 14/6/2023. Ảnh: Reuters 

Đầu tháng này, Hải quân Mỹ thông báo họ đã can thiệp để ngăn Iran bắt giữ hai tàu chở dầu thương mại ở Vịnh Oman.

Kể từ năm 2019, đã xảy ra một loạt vụ tấn công nhằm vào các tàu bè ở vùng biển chiến lược vùng Vịnh vào thời điểm căng thẳng giữa Mỹ và Iran. Khoảng 1/5 lượng dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ của thế giới đi qua eo biển Hormuz, một nút thắt giữa Iran và Oman. Sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, mối quan hệ của Iran với phương Tây đã xấu đi trong năm qua. Theo ước tính của Mỹ, Iran có thể tạo ra vật liệu phân hạch cho một quả bom trong 12 ngày hoặc hơn, giảm mạnh so với thời gian là một năm khi thỏa thuận hạt nhân có hiệu lực. Trong khi đó, Iran phủ nhận việc tìm kiếm vũ khí hạt nhân, khẳng định quyền phát triển công nghệ hạt nhân dân sự.

Cộng hòa Hồi giáo Iran sở hữu một trong những quân đội mạnh nhất ở Trung Đông, và đã nhiều lần chứng minh rằng họ sẵn sàng sử dụng lực lượng này để bảo vệ lợi ích quốc gia, kể cả chống lại Mỹ.

Theo Sputnik, vào tháng 6/2019, lực lượng phòng không Iran đã bắn hạ một máy bay không người lái do thám Mỹ trị giá 220 triệu USD sau khi phương tiện bị cáo buộc xâm phạm không phận Iran trên eo biển Hormuz, điều mà Washington phủ nhận. Tiếp đó, tháng 1/2020, sau khi Washington tiến hành cuộc tấn công ám sát nhằm vào Qasem Soleimani, chỉ huy Lực lượng Quds của IRGC (Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran), Tehran đã bắn phá hai căn cứ của Mỹ ở Iraq bằng khoảng một chục tên lửa đạn đạo, khiến hơn 100 lính Mỹ bị chấn thương sọ não.

Trong cả hai vụ việc nói trên, Tehran đã thực hiện các bước để tránh thiệt hại về người và leo thang không cần thiết chẳng hạn như tránh cho một máy bay do thám của Mỹ bay gần máy bay không người lái bị phá hủy trong sự cố năm 2019, đồng thời cung cấp cho Iraq nhiều thời gian cảnh báo trước các cuộc tấn công vào tháng 1/2020, biết rằng Baghdad sẽ chuyển cảnh báo tới Washington.

Liên quan đến việc Mỹ triển khai một số lượng máy bay chiến đấu F-16 không xác định tới Vịnh Ba Tư vào cuối tuần qua, một quan chức quân sự cấp cao ẩn danh của Mỹ cho rằng việc Lầu Năm Góc tăng cường “khả năng hiện diện” trong khu vực sẽ đóng vai trò “răn đe” để ngăn chặn Iran bắt giữ thêm các tàu thương mại. Quan chức này cũng nhắc đến căng thẳng gia tăng giữa các lực lượng Mỹ đóng ở đông bắc Syria và quân đội Nga, Syria và Iran, đặc biệt cáo buộc “sự gây hấn của Nga” trên bầu trời Syria - điều mà Moskva bác bỏ.

Hôm 16/7, quân đội Nga báo cáo hàng chục hành động vi phạm của Mỹ chỉ trong vòng 24 giờ đối với thỏa thuận giảm xung đột năm 2019 của liên minh chống khủng bố do Mỹ lãnh đạo, bao gồm cả việc vi phạm không phận Syria của hai máy bay chiến đấu F-16 và trinh sát MC-12W trong khu vực at-Tanf, nằm dọc theo các tuyến hàng không thương mại quốc tế.

Mỹ đã thiết lập một cơ sở đồn trú tại at-Tanf vào năm 2016 và xây dựng nó thành một căn cứ huấn luyện lớn, nơi Damascus, Moskva và Tehran cáo buộc các chiến binh thánh chiến được huấn luyện cho các hoạt động chống lại chính phủ Syria.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Sputnik, Reuters)
Bão cát tại Iran khiến trên 1.000 người gặp các vấn đề về sức khỏe
Bão cát tại Iran khiến trên 1.000 người gặp các vấn đề về sức khỏe

Hãng thống tấn IRNA ngày 16/7 đưa tin số người phải đến các trung tâm y tế tại tỉnh Sistan và Baluchestan, miền Đồng Nam Iran do gặp các vấn đề về sức khỏe đã tăng trên 1.000 người kể từ khi các cơn bão cát càn quét qua khu vực này hồi tuần trước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN