Indonesia phản ứng với vụ đốt kinh Koran tại Thụy Điển

Ngày 24/1, Bộ Ngoại giao Indonesia đã triệu Đại sứ Thụy Điển tại quốc gia có dân số theo đạo Hồi lớn nhất thế giới này để phản đối vụ việc một nhà hoạt động cực hữu đốt kinh Koran ở Stockholm vào cuối tuần qua.

Chú thích ảnh
Biểu tình bên ngoài sứ quán Thụy Điển ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, phản đối hành động đốt kinh Koran, ngày 21/3/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước đó, ngày 21/1, chính trị gia người Thụy Điển - Đan Mạch Rasmus Paludan đã đốt một bản sao kinh Koran trước Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Stockholm, khiến Ankara tức giận tuyên bố sẽ không ủng hộ nỗ lực gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của quốc gia Bắc Âu này.

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Teuku Faizasyah cho biết Đại sứ Thụy Điển Marina Berg đã được triệu tập để Jakarta chính thức phản đối hành động chống lại đạo Hồi. Trao đổi với hãng thông tấn AFP, ông Faizasyah nói: “Đúng vậy, chúng tôi sẽ gặp bà ấy trong tuần này” nhưng không tiết lộ thời gian cụ thể.

Trong khi đó, Đại sứ quán Thụy Điển tại Indonesia xác nhận rằng Đại sứ Berg sẽ gặp gỡ một quan chức Bộ Ngoại giao Indonesia.

Các nhà lãnh đạo Thụy Điển đã thẳng thừng lên án hành động của chính trị gia Paludan, tuy nhiên cũng lên tiếng bảo vệ định nghĩa rộng rãi về tự do ngôn luận của quốc gia này.

Vụ việc ông Paludan đốt bản sao kinh Koran đã gây ra các cuộc biểu tình bên ngoài các cơ quan đại diện Thụy Điển ở một số nước, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq - nơi người biểu tình đã đốt cờ Thụy Điển hôm 23/1 và gây đụng độ, khiến 1 cảnh sát cùng 7 người biểu tình bị thương.

Ngày 21/1, Ankara đã hủy chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pal Jonson vốn được lên kế hoạch vào ngày 27/1, sau khi triệu Đại sứ Thụy Điển và khẳng định rằng chuyến thăm “đã mất đi tầm quan trọng và ý nghĩa”.

Hữu Chiến (TTXVN)
Phần Lan có thể gia nhập NATO mà không có Thụy Điển
Phần Lan có thể gia nhập NATO mà không có Thụy Điển

Ngày 24/1, Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto nhấn mạnh nước này phải cân nhắc việc gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mà không có Thụy Điển, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố họ khó lòng ủng hộ Thụy Điển gia nhập liên minh quân sự này sau vụ đốt bản sao kinh Koran ở Stockholm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN