Khủng hoảng hạt nhân sau động đất tại Nhật Bản

IAEA: Nên tiếp tục sử dụng năng lượng hạt nhân

Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 của Nhật Bản ngày 16/3 tiếp tục hứng chịu thêm sự cố mới, khiến cuộc khủng hoảng hạt nhân ở nước này thêm trầm trọng và làm nổ ra một cuộc tranh luận trong cộng đồng quốc tế về vấn đề an toàn năng lượng hạt nhân.

Thêm đám cháy ở Fukushima 1

Công ty điện lực Tôkyô (TEPCO) cho biết, lò phản ứng số 4 của nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 ngày 16/3 tiếp tục bị cháy. Các công nhân nhà máy phát hiện ra đám cháy bùng lên lúc 4 giờ 10 (giờ Việt Nam) tại khu vực phía tây bắc của tòa nhà chứa lò số 4. Sau 30 phút, không thấy dấu hiệu của khói và lửa tại khu vực này nữa.

Đây là đám cháy thứ hai tại lò này trong vòng hơn 24 giờ qua. Theo TEPCO, đám cháy mới bùng lên là do đám cháy ban đầu chưa được dập tắt hoàn toàn. Sau khi xảy ra hỏa hoạn, các công nhân của nhà máy đã được lệnh di dời do mức độ phóng xạ tăng lên. Khi mức độ phóng xạ hạ thấp, họ đã được phép quay trở lại nhà máy.

Khói bốc lên tại lò phản ứng số 4 của nhà máy Fukushima 1 ngày 16/3. Ảnh: AFP-TTXVN


Khác với ba lò phản ứng bị nổ trong vài ngày qua, lò số 4 đã được đóng cửa để bảo dưỡng khi trận động đất xảy ra. Cơ quan an toàn hạt nhân Nhật Bản ngày 16/3 thông báo, 70% thanh nhiên liệu hạt nhân tại lò phản ứng số 1 có thể đã bị hư hại, còn thanh nhiên liệu ở lò số 2 bị hư hại 33%. Trong khi đó, nhiệt độ tại 2 lò phản ứng số 5 và 6 cũng đang tăng lên dù chưa có thông tin gì bất thường và chưa xảy ra cháy nổ.

Chánh văn phòng nội các Yukio Edano cho biết, các máy dò phóng xạ đã đo được 400 millisievert/giờ tại khu vực gần lò số 3 và 100 millisievert/giờ tại lò số 4 (chỉ cần bị phơi nhiễm 100 millisievert/năm, con người đã có khả năng bị ung thư).

Để khắc phục sự cố tại nhà máy Fukushima 1, Nhật Bản đã đề nghị Hàn Quốc cung cấp 52 tấn chất boron - hóa chất quan trọng có tác dụng làm ngừng hoặc chậm lại phản ứng phân hạch tại các lò phản ứng hạt nhân - sau khi phần lớn kho dự trữ boron của Nhật đã được sử dụng tại nhà máy Fukushima 1. Ngày 16/3, chính phủ Hàn Quốc đã thông báo trong những ngày tới sẽ chuyển cho Nhật Bản lượng hóa chất boron đang dự trữ trong các kho của Hàn Quốc. Trước đó, Nhật Bản đã áp dụng biện pháp khẩn cấp là trộn boron với nước biển và đưa vào các lò phản ứng.

Tranh luận về an toàn điện hạt nhân

Cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Nhật Bản, được xếp ở mức 6/7 theo thang độ đánh giá sự cố hạt nhân, trong những ngày qua đã khiến thế giới phải xem xét lại vấn đề phát triển năng lượng hạt nhân. Vấn đề an toàn điện hạt nhân đã trở thành chủ đề tranh luận tại nhiều quốc gia.

Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 sau thảm họa động đất, sóng thần. (Ảnh chụp từ vệ tinh DigitalGlobe ngày 16/3). Ảnh: AFP- TTXVN


Trong bối cảnh đó, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), ông Yukiya Amano, ngày 15/3 cho rằng, các nước vẫn nên tiếp tục sử dụng năng lượng hạt nhân. Tân Hoa Xã dẫn lời ông Amano: "Chúng ta cần nguồn năng lượng ổn định và để giảm thiểu tác động của tình trạng biến đổi khí hậu. Vì thế, lợi ích của năng lượng hạt nhân có thể lớn hơn rất nhiều so với nguy cơ". Ông Amano khẳng định, việc sử dụng năng lượng hạt nhân một cách hòa bình được ứng dụng nhiều trong điều trị ung thư, làm giảm chi phí năng lượng và giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Đây là những thực tế mà ông Amano cho rằng không thể thay đổi sau trận động đất ở Nhật Bản.

Tại một cuộc họp báo ở Ôxlô (Na Uy), Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cũng kêu gọi quốc tế kiên nhẫn khi đánh giá về rủi ro hạt nhân. Giám đốc IEA, ông Nobuo Tanaka, cho rằng những lo ngại về an toàn năng lượng hạt nhân cũng sẽ ảnh hưởng đến nỗ lực hạn chế khí thải cácbon và ngăn chặn tình trạng nóng lên của Trái Đất. Hãng tin Reuters (Anh) dẫn lời ông Tanaka: "Rất khó, nếu không muốn nói là không thể, giải quyết vấn đề ấm lên trên toàn cầu nếu không sử dụng điện hạt nhân". Ông còn khẳng định đây là công nghệ cần thiết để đạt được sự phát triển bền vững cho tương lai.

Theo IEA, điện hạt nhân hầu như không tạo ra khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Năm 2008, điện hạt nhân chiếm 13,5% lượng điện được sản xuất trên thế giới. Nhiều quốc gia đã cân nhắc đến việc dùng năng lượng hạt nhân để thay thế nhiên liệu hóa thạch.

Thủ tướng Nga Vladimir Putin cũng cho rằng không cần phải từ bỏ năng lượng hạt nhân sau sự cố tại nhà máy Fukushima 1 của Nhật Bản. Theo ông, thế giới không thể đảm bảo được năng lượng nếu không có năng lượng hạt nhân. Ngành năng lượng hạt nhân sẽ tiếp tục phát triển với những công nghệ hiện đại cho phép loại trừ những sự cố tương tự như ở Fukushima 1.

Trong khi đó, Cao ủy phụ trách vấn đề năng lượng của Liên minh châu Âu (EU), ông Guenther Oettinger, ngày 16/3 đã quyết định kiểm tra toàn diện độ an toàn của các nhà máy hạt nhân, không chỉ trong phạm vi 27 nước EU mà còn ở các quốc gia láng giềng. Theo ông Oettinger, cuộc kiểm tra sẽ được thực hiện trên cơ sở tự nguyện và tập trung vào khả năng liệu các nhà máy hạt nhân có thể chịu được động đất, sóng thần và tấn công khủng bố hay không.

Với Mỹ, sự cố hạt nhân ở Nhật Bản diễn ra đúng lúc ngành năng lượng hạt nhân Mỹ đang khởi động việc xây dựng các lò phản ứng hạt nhân mới đầu tiên trong nhiều năm qua nên quá trình này ở Mỹ có thể sẽ chậm lại.

Người dân sơ tán khỏi khu vực phía tây tỉnh Fukushima được kiểm tra mức độ nhiễm phóng xạ tại thành phố Nihonmatsu, tỉnh Fukushima, ngày 16/3. Ảnh: AFP-TTXVN


Vênêxuêla ngày 16/3 cũng theo chân nhiều nước quyết định ngừng kế hoạch phát triển năng lượng hạt nhân. Tổng thống Vênêxuêla Hugo Chavez cho rằng các vấn đề hạt nhân ở Nhật Bản sẽ khiến nhiều nước khác xem xét lại các chương trình hạt nhân vì mục đích hòa bình.

Trung Quốc cũng ra lệnh thanh tra an toàn các cơ sở hạt nhân của nước này và ngừng thông qua các dự án mới.

10 năm khắc phục hậu quả

Để khôi phục lại những gì mà siêu động đất và sóng thần đã hủy hoại chỉ trong ítphút, người Nhật sẽ phải mất nhiều năm trời, có thể tới 10 năm, và tiêu tốn nhiều tỷ USD.

Ông Jun Yang, chủ tịch chi nhánh Hồng Công của Hội kỹ sư xây dựng dân dụng Mỹ, cho rằng quá trình tái thiết sẽ cực kỳ khó khăn vì mức độ thiệt hại quá lớn. Theo ông Jun Yang, sẽ mất từ 5 - 10 năm để xây mới hoặc sửa chữa, trong trường hợp không xảy ra tình huống ô nhiễm phóng xạ.

Nhà kinh tế Matt Robinson và Ruth Stroppiana thuộc bộ phận phân tích của Moody nhận định, việc dọn dẹp sẽ mất hàng tháng và sẽ mất nhiều thời gian hơn rất nhiều để xây lại các cơ sở hạ tầng quan trọng. Các công ty xây dựng có thể kiếm được hàng chục tỷ USD nhưng chính phủ Nhật Bản sẽ thêm "còng lưng" vì nợ công phồng to.

Tương tự, ông Ken Collis, người có kinh nghiệm tham gia tái thiết Manđivơ sau thảm hoạ sóng thần năm 2004, cho rằng phải 3 năm sau, Nhật Bản mới có thể tiến hành tái thiết cơ bản.

Những dự báo về thời gian tái thiết trên là có tính thực tế vì thiệt hại vật chất từ động đất, sóng thần là vô cùng lớn. Bốn tỉnh Iwate, Miyagi, Fukushima và Ibaraki - chiếm 6% GDP của Nhật Bản, là nơi đặt cơ sở của nhiều ngành công nghiệp quan trọng - đã bị tàn phá nặng nề, với nhiều thị trấn, làng mạc bị san phẳng hoàn toàn. Cảng Sendai lớn nhất bờ biển đông bắc cũng bị phá hủy. Ba cảng khác gồm Hachinohe, Ishinomaki và Onahama bị hư hỏng nặng và sẽ phải đóng cửa trong hàng tháng trời. Sáu nhà máy lọc dầu chiếm 1/3 sản lượng lọc dầu của Nhật Bản cũng bị đóng cửa. Các nhà máy thép cũng bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, tình trạng thiếu điện tiếp tục lan rộng do sự cố tại nhà máy điện hạt nhân, buộc nhiều tập đoàn phải ngừng sản xuất, trong đó có Sony và Toshiba. Toàn bộ các hãng sản xuất ô tô cũng ngừng sản xuất trên quy mô toàn quốc.

Cảnh sát Nhật Bản ngày 16/3 thông báo, tổng số người chết và mất tích đã lên tới 11.000 người, trong đó 4.164 người đã được xác nhận là thiệt mạng. Số người bị thương là 1.990.

Thùy Dương (tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN