Hy Lạp thông qua dự luật “khắc khổ” mới: Aten bùng lên “ngọn lửa giận dữ”

Quốc hội Hy Lạp ngày 13/2 (giờ Việt Nam) đã bỏ phiếu thông qua dự luật liên quan đến đáp ứng các điều kiện mà Aten phải thực hiện để nhận được gói cứu trợ thứ hai từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhằm tránh nguy cơ vỡ nợ vào tháng 3 tới. Ngay lập tức, thủ đô Aten đã ngùn ngụt khói lửa khi người biểu tình phóng hỏa nhiều tòa nhà, cửa hàng, làm dấy lên một làn sóng bạo lực khắp đất nước.

Aten chìm trong khói lửa.


199 nghị sĩ trong tổng số 300 nhà lập pháp đã bỏ phiếu ủng hộ và 74 người bỏ phiếu phản đối dự luật về các chính sách thắt lưng buộc bụng mới, đáp ứng những điều kiện mà EU và IMF đưa ra trước khi trao cho Hy Lạp 130 tỉ euro. Trong số những người bỏ phiếu chống có 43 nhà lập pháp là thành viên Đảng PASOK và Đảng Dân chủ Mới trong liên minh cầm quyền của Thủ tướng Lucas Papademos. Những người này đã ngay lập tức bị khai trừ khỏi các đảng của họ.

Các đề xuất trong dự luật nói trên bao gồm giảm 22% lương tối thiểu, cải cách thị trường lao động và một gói những cải cách về thuế và chế độ hưu trí. Dự luật đặt mục tiêu cắt giảm 3,3 tỷ euro chi tiêu công trong năm 2012.

Vốn không đồng tình với các biện pháp “thắt lưng buộc bụng”, người dân Hy Lạp đã bùng lên “ngọn lửa giận dữ” ngay sau khi dự luật “khắc khổ” mới được thông qua. Nhiều người Hy Lạp tin rằng, mức sống của họ vốn đã rất thấp và những biện pháp mới sẽ khiến họ khốn khổ hơn nữa. Có tin cho biết, khoảng 80.000 người đã tham gia các cuộc biểu tình tại Aten, trong khi 20.000 người khác xuống đường tại Thessaloniki.

Ít nhất 45 ngôi nhà đã bị đốt cháy ở Aten, trong đó có một trong những ngôi nhà cổ nhất ở thành phố này, được khôi phục để làm rạp chiếu phim. Hàng chục cửa hiệu, quán cà phê bị đập phá, cướp bóc.

Thậm chí, từ trước khi bắt đầu cuộc bỏ phiếu của các nghị sĩ, người biểu tình bịt mặt đã đụng độ với cảnh sát chống bạo động bên ngoài tòa nhà quốc hội. Bầu không khí trên quảng trường Syntagma trước nhà quốc hội đậm đặc mùi hơi cay khi cảnh sát đụng độ với những thanh niên chống đối, đập phá hàng rào, ném đá và bom xăng.

Theo truyền hình Hy Lạp, bạo lực còn lan tới cả hòn đảo du lịch Corfu và Crete, thành phố Thessaloniki ở miền bắc và các thị trấn ở miền trung. Thống kê cho thấy, khoảng trên 120 người bị thương trong các vụ bạo động ở Aten và các thành phố khác.

Trước cuộc bỏ phiếu, Thủ tướng Papademos tuyên bố: “Các hành vi phá hoại, bạo lực sẽ không có chỗ tồn tại và sẽ không được dung thứ”. Tuy vậy, ông cũng thừa nhận rằng việc áp đặt chính sách khắc khổ tại một quốc gia vốn đã ở trong tình trạng “thắt lưng buộc bụng” suốt 7 năm qua, là quá khắc nghiệt. “Việc thực hiện chương trình cắt giảm một cách triệt để, đúng lúc và hiệu quả là không dễ dàng. Chúng ta phải ý thức đầy đủ rằng, một chương trình kinh tế toàn diện cũng đồng nghĩa với những hy sinh ngắn hạn đối với người dân Hy Lạp”, ông Papademos phát biểu trước Quốc hội.

Dù được xem là trở ngại chính trong nỗ lực giải quyết khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp, nhưng dự luật nói trên không phải là điều kiện duy nhất để Aten nhận được gói cứu trợ thứ hai từ EU và IMF. Hai thể chế này còn yêu cầu giới chức Hy Lạp ký cam kết thực hiện những biện pháp “thắt lưng buộc bụng” trước khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn, dự kiến vào tháng 4. Ngoài ra, Quốc hội Hy Lạp phải ủng hộ kế hoạch hoán đổi nợ, đã được nhất trí với các chủ nợ tư nhân. Kế hoạch này nhằm giúp giảm bớt gánh nặng nợ nần của Hy Lạp bằng cách giảm bớt giá trị thực của các trái phiếu mà các chủ nợ tư nhân nắm giữ xuống khoảng 70%.
Các thị trường chứng khoán thế giới từ châu Á, châu Âu cho đến Mỹ đã đồng loạt tăng điểm sau khi Quốc hội Hy Lạp thông qua dự luật mới. Giá dầu thô giao tháng 3 trong phiên giao dịch ngày 12/2 tại New York tăng nhẹ lên 99,6 USD/thùng, trong khi đồng USD giảm so với euro và tăng so với yên Nhật.

Thu Hằng

pAten chìm trong khói lửa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN