Hy Lạp nhất trí với các chủ nợ về những cải cách mới

Ngày 7/4, Chính phủ Hy Lạp đã nhất trí "về nguyên tắc" một loạt đề xuất cải cách mới do các chủ nợ châu Âu đưa ra, mở ra hy vọng giúp Athens có thể nhận được khoản giải ngân tiếp theo trong gói cứu trợ thứ 3 và tránh kịch bản mất khả năng thanh toán vào tháng 7 tới.

Phát biểu sau cuộc họp Nhóm bộ trưởng tài chính các nước thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) - hay còn gọi là Nhóm Eurogroup, tại Malta, Ủy viên kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) Pierre Moscovici đã hoan nghênh động thái của Hy Lạp sau nhiều tháng đàm phán bế tắc. 

Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Euclid Tsakalotos (trái) và Bộ trưởng Tài chính Tây Ban Nha Luis de Guindos Jurado tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính châu Âu ở Brussels, Bỉ ngày 20/3. Ảnh:AFP/TTXVN

Trong khi đó, Chủ tịch Eurogroup, ông Jeroen Dijsselbloem lạc quan cho biết những cản trở lớn trong quá trình đàm phán giữa Athens và các chủ nợ quốc tế đã được giải tỏa và lúc này là thời điểm hai bên cùng tiến tới thỏa thuận cuối cùng. Theo ông Dijsselbloem, tình hình kinh tế của Hy Lạp chưa có dấu hiệu được cải thiện và các chủ nợ châu Âu cũng chịu trách nhiệm một phần về vấn đề này.


Động thái của Hy Lạp được nhìn nhận là bước đi quan trọng giúp quốc gia vốn chìm trong khủng hoảng nợ công trong nhiều năm qua này tránh được kịch bản mất khả năng thanh toán một lần nữa vào tháng 7 tới, hạn chót mà Athen buộc phải trả khoản nợ lên tới 7 tỷ USD cho các chủ nợ quốc tế.


Trước đó, hồi cuối tháng 3 vừa qua, Hy Lạp cùng các chủ nợ quốc tế gồm EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đạt thỏa thuận sơ bộ về cải cách then chốt trong lĩnh vực lao động, chi tiêu công và tài nguyên năng lượng. Theo thỏa thuận này, Hy Lạp đã đồng ý sẽ cắt giảm lương hưu trong năm 2019 với tổng giá trị lên tới 1 % GDP, cũng như hạ thấp mức thu nhập phải đóng thuế để tiết kiệm thêm khoảng 1% GDP nữa. Đây cũng là các biện pháp Hy Lạp chấp nhận để thuyết phục IMF tham gia vào chương trình cứu trợ như EU yêu cầu.


Mặc dù được dự báo về sự phục hồi tăng trưởng, song thực ra nền kinh tế Hy Lạp trong năm 2016 vẫn trị trệ. Các thông kê mới đây cho thấy triển vọng kinh tế của Hy Lạp không mấy khả quan và bắt đầu dấu hiệu chậm và bất ổn định trở lại do nợ công.


Hy Lạp hiện đang phải vật lộn với tình trạng khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất từ trước đến nay. Để đổi lại những khoản viện trợ quan trọng từ các chủ nợ quốc tế, kể cả IMF và Uỷ ban châu Âu (EC), Athens cam kết sẽ tiến hành những cải cách mạnh mẽ nhằm thúc đẩy nền kinh tế. Kể từ năm 2010 đến nay, nước này đã tiếp nhận 3 gói cứu trợ của quốc tế. Nợ công của Hy Lạp hiện ở mức trên 300 tỷ euro, chiếm khoảng 160% GDP, và đây vẫn là tỷ lệ cao nhất trong Eurozone.


TTXVN/Tin Tức
Biểu tình phản đối chính sách tăng thuế của chính phủ Hy Lạp
Biểu tình phản đối chính sách tăng thuế của chính phủ Hy Lạp

Ngày 8/3, hơn 1.300 nông dân đã tập trung trước trụ sở Bộ Nông nghiệp Hy Lạp ở trung tâm thủ đô Athens để phản đối chính sách tăng thuế của chính phủ nước này. Tuy nhiên, xung đột giữa người biểu tình và cảnh sát đã nổ ra, khiến 2 người bị bắt giữ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN