Hơn 300 người thương vong trong hàng loạt vụ tấn công

Ngày 15/8 đã trở thành ngày đẫm máu nhất tại Irắc kể từ tháng 5/2010 khi có tới gần 70 người thiệt mạng và gần 250 người bị thương trong hàng loạt vụ tấn công và bạo động xảy ra ở 17 thành phố trong cả nước.


Lực lượng an ninh Irắc tại hiện trường vụ nổ bom ở thành phố Najaf ngày 15/8. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tại thành phố Kut ở miền trung Irắc đã xảy ra hai vụ đánh bom liên tiếp làm 40 người chết và 65 người bị thương. Trong số các nạn nhân có cả phụ nữ và trẻ em. Cảnh sát địa phương cho biết các vụ nổ xảy ra tại một khu chợ đông người ở trung tâm thành phố, cách thủ đô Bátđa 160 km về phía nam. Vụ nổ đầu tiên xuất phát từ một quả bom cài bên đường và tiếp sau đó, một chiếc xe chở đầy bom cũng phát nổ. Đây là vụ tấn công nghiêm trọng nhất tại Kut kể từ tháng 8/2010.

Trước đó một giờ, tại thành phố Tikrit cũng xảy ra một vụ tấn công nhằm vào một đơn vị chống khủng bố làm 3 cảnh sát thiệt mạng và ít nhất 7 người bị thương. Đại tá Jassim al-Jibouri thuộc đơn vị chống khủng bố cho biết, hai kẻ tấn công đã bị bắn chết trong khi tìm cách tiếp cận nhà tù, nơi đang giam giữ hơn 100 tù nhân là thành viên của mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda.

Tại thành phố Baquba cũng ở phía bắc Bátđa, các tay súng đã tấn công một chốt an ninh quân đội làm 4 binh sĩ thiệt mạng. Sau đó, tại thành phố này cũng xảy ra hai vụ đánh bom làm 14 người bị thương. Các vụ tấn công buộc toàn bộ nhân viên làm việc trong các văn phòng chính quyền thành phố phải sơ tán. Các vụ tấn công lẻ tẻ cũng xuất hiện tại các thành phố Kirkuk (1 người chết, 14 người bị thương), Najaf (4 người chết, 58 người bị thương), Karbala (2 người chết, 9 người bị thương), Mosul (1 người chết, 3 người bị thương)…

Hiện chưa có ai đứng ra nhận trách nhiệm hàng loạt vụ tấn công này.

Trước đó, vụ bạo lực được xem là đẫm máu nhất xảy ra ở Irắc vào ngày 29/3/2011, khi lực lượng al-Qaeda tiến hành hàng loạt vụ tấn công nhằm vào trụ sở chính quyền địa phương ở thành phố Tikrit (quê hương của cố Tổng thống Saddam Hussein) làm 58 người thiệt mạng.

Các vụ tấn công mới nhất kể trên diễn ra vào thời điểm chỉ còn một tháng nữa là Mỹ sẽ chính thức rút quân khỏi Irắc theo hiệp định an ninh song phương đã được lãnh đạo hai nước ký năm 2008. Các vụ tấn công càng làm dấy lên quan ngại về khả năng tự duy trì ổn định của các lực lượng an ninh Irắc. Trước đó, ngày 3/8, giới lãnh đạo Irắc đã cho phép chính phủ tiến hành đàm phán với Oasinhtơn về khả năng để các cố vấn quân sự của Mỹ ở lại Irắc cho tới sau năm 2011, thời điểm binh sĩ Mỹ rút hết khỏi nước này. Theo đánh giá của các tư lệnh an ninh của Mỹ và Irắc, mặc dù al-Qaeda và các nhóm phiến quân đã yếu hơn so với thời điểm đỉnh cao năm 2006 - 2007, nhưng lực lượng này vẫn có thể phối hợp để tiến hành đồng loạt các vụ tấn công trên khắp Irắc.

Quang Tuyến

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN