Hơn 10.000 người sơ tán khỏi Mosul

Hơn 10.000 người Iraq đã phải sơ tán khỏi nhà kể từ khi lực lượng Iraq bắt đầu chiến dịch giành lại thành phố miền Bắc Mosul từ tay nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Đây chỉ là một phần nhỏ so với số người mà các nhóm viện trợ dự kiến phải sơ tán khi các lực lượng Iraq tiến vào thành phố này.

Trong một thông cáo, Văn phòng Điều phối Viện trợ nhân đạo của LHQ (OCHA) cho biết, khoảng 10.600 người đã rời nhà đi lánh nạn và cần viện trợ nhân đạo. Các nhóm viện trợ đang nỗ lực xây nhiều trại tị nạn và đưa trang thiết bị tới các khu vực quanh chiến trường Mosul. Trước đó, ngày 25/10, Điều phối viên nhân đạo của LHQ tại Iraq Lise Grande dự báo dòng người di tản ồ ạt trong vài ngày tới. Trong trường hợp xấu nhất, có nguy cơ các tay súng IS sẽ dùng đến “các vũ khí hóa học thô sơ” để chặn các cuộc tấn công. Kể từ đầu năm 2014, hơn 3,3 triệu người Iraq đã phải rời nhà đi lánh nạn do xung đột.

Người dân Iraq tập trung tại sa mạc Rajam al-Saliba, khu vực biên giới giữa Iraq và Syria, thuộc tỉnh Hassakeh của Syria sau khi rời khỏi Mosul ngày 22/10. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, các tay súng IS tiếp tục kháng cự dữ dội khi các lực lượng Iraq đang áp sát thành phố Mosul từ các hướng Bắc, Đông và Nam. Giới chức Iraq cho biết những ngày gần đây, IS đã hành quyết hàng chục người bị các tay súng thánh chiến bắt giữ tại các làng mà nhóm này buộc phải rút chạy khi quân đội Iraq tiến đánh vào Mosul. Đa số những người bị sát hại là các cựu quân nhân và cảnh sát Iraq sống ở những khu vực phía Nam Mosul bị IS kiểm soát.

Theo cựu Bộ trưởng Tài chính Iraq Zebari, hơn 20 người đã bị giết hại tại 2 làng phía Bắc thị trấn Qayyara. Trong khi đó, người phát ngôn Văn phòng Cao ủy LHQ về nhân quyền Rupert Colvill thông báo lực lượng an ninh phát hiện thi thể của 70 dân thường tại làng Tuloul Naser phía Nam Mosul ngày 20/10 vừa qua.

Tại một cuộc họp bộ trưởng quốc phòng các nước trong liên minh chống IS ở thủ đô Paris (Pháp) ngày 26/10, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne nhận định chiến dịch chống IS ở Iraq rất phức tạp, và việc giải phóng thành phố Mosul khỏi sự kiểm soát của IS là một đòn quyết định nhằm vào nhóm này, song chưa thể chấm dứt được mối đe dọa khủng bố.

Phóng viên TTXVN tại Australia dẫn lời Bộ trưởng Payne nhấn mạnh chiến dịch chống IS vẫn tiếp diễn và tổ chức khủng bố này đang ngày càng phải chịu nhiều sức ép hơn. Theo bà Payne, IS đang mất dần lãnh thổ, tài chính, các tay súng và chiến trường, song liên minh chống IS cần duy trì đà tấn công nhóm phiến quân này, dù chiến dịch rất phức tạp và sẽ mất nhiều thời gian. Bộ trưởng Payne nêu rõ, Australia là nước đóng góp hàng đầu cho chiến dịch do Mỹ đứng đầu này, với các hoạt động hỗ trợ và huấn luyện cho lực lượng Iraq trong trận chiến ở Mosul.

Nhiều tháng nay, quân đội Iraq cùng các đồng minh đã siết chặt vòng vây tại Mosul, thành phố lớn thứ hai và là thành trì chủ chốt của IS tại Iraq.

Ngày 17/10, Thủ tướng đồng thời là Tổng Tư lệnh Các Lực lượng vũ trang Iraq Haider al-Abadi chính thức phát động chiến dịch tấn công giải phóng Mosul, với lực lượng dẫn đầu chiến dịch bao gồm quân đội và cảnh sát quốc gia. Dự kiến đây là chiến dịch trên bộ lớn nhất ở Iraq kể từ cuộc chiến do Mỹ phát động năm 2003. Nếu chiến dịch thành công, lực lượng chính phủ Iraq có thể giành lại 50% diện tích mà IS đã chiếm ở miền Bắc nước này kể từ tháng 6/2014.

TTXVN/Tin Tức
Những đứa trẻ của Mosul ngày chiến sự
Những đứa trẻ của Mosul ngày chiến sự

Dưới bầu trời rợp khói từ các giếng dầu do tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) phá hủy, trong lúc liên quân Iraq đang tiến sát Mosul, những đứa trẻ của thành phố này lớn lên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN