Hội nghị thường niên IMF-WB:Cam kết ủng hộ tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 25/9 (giờ Việt Nam) cho biết sẽ làm tất cả trong khả năng của mình để hỗ trợ các nước thành viên đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và toàn diện.

Toàn cảnh cuộc họp của IMFC tại Hội nghị thường niên IMF-WB.


Một thông cáo chung, được đưa ra tại phiên họp toàn thể Hội nghị thường niên của IMF và WB ở thủ đô Oasinhtơn (Mỹ), nêu rõ sự hỗn loạn hiện nay trên các thị trường tài chính toàn cầu và căng thẳng tài chính lan rộng đang gây nguy cơ rủi ro cho khả năng phục hồi của nền kinh tế thế giới. Giá cả hàng hóa biến động mạnh và sức ép về an ninh lương thực đang tạo ra những thách thức nghiêm trọng cho tất cả các nước. Thông cáo cũng lưu ý tình trạng này có thể tác động đến tất cả mọi quốc gia, đặc biệt đối với những nước nghèo. Ngoài ra, WB và IMF cũng tái cam kết sẽ góp phần tạo nhiều công ăn việc làm vì đây chính là yếu tố then chốt của tăng trưởng.

Bản thông cáo trên cũng nêu rõ, IMF cũng đang chuẩn bị các công việc cần thiết để giúp các nước thành viên có khả năng ứng phó với cuộc khủng hoảng có thể xảy ra.

Trong khi đó, phát biểu tại một cuộc họp báo, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde đã hối thúc các nhà lãnh đạo thế giới thực thi những biện pháp phù hợp để ứng phó với những mối nguy mà nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt. Theo bà, thế giới mới chỉ làm được một nửa công việc cần thiết để vượt qua khủng hoảng. Trong khi đó, Ủy ban Tài chính và Tiền tệ Thế giới (IMFC), cơ quan hoạch định chính sách của IMF, cho rằng kinh tế thế giới sẽ phải đương đầu với 4 thách thức chính, bao gồm rủi ro khủng hoảng nợ công, hệ thống tài chính mong manh, tăng trưởng kinh tế ngày càng yếu ớt và tỷ lệ thất nghiệp cao.

Bên lề hội nghị thường niên WB và IMF năm nay, các bộ trưởng Tài chính ASEAN đã nhất trí thành lập Quỹ cơ sở hạ tầng trị giá gần 500 triệu USD nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa ASEAN và các nền kinh tế tiên tiến trên thế giới, đồng thời hướng tới mục tiêu thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015. Quỹ cơ sở hạ tầng ASEAN sẽ bắt đầu đi vào hoạt động với khoản tài chính 485,2 triệu USD, hỗ trợ 6 dự án trong một năm. Đến năm 2020, ASEAN hy vọng quỹ sẽ huy động được 4 tỷ USD và sau đó ngân sách của quỹ sẽ tăng lên đến 13 tỷ USD. Quỹ cơ sở hạ tầng ASEAN đặt trụ sở tại Malaixia, nước đóng góp nhiều nhất cho quỹ với 150 triệu USD.

Trong một diễn biến khác, Trung Quốc và Mỹ đã có quan điểm hoàn toàn trái ngược về khả năng tài chính của IMF tại Hội nghị thường niên IMF và WB lần này. Trong khi Mỹ cho rằng IMF có đủ khả năng tài chính thì Trung Quốc lại khẳng định tổ chức này có thể không đủ tiền để đối phó với khủng hoảng nợ ở châu Âu.

Thống đốc Ngân hàng trung ương Trung Quốc Châu Tiểu Xuyên nhận định: Trong bối cảnh Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) ngày một lún sâu vào khủng hoảng nợ công, nhu cầu của các nước thành viên trong khu vực đối với nguồn tài chính từ IMF đã tăng đột biến và nguồn tài chính hiện nay của IMF có thể không đủ để đáp ứng nhu cầu của nước bị khủng hoảng.

Trái lại, một quan chức Bộ Tài chính Mỹ khẳng định nguồn lực của IMF vẫn đủ. Quan chức này viện dẫn thỏa thuận hồi tháng 11/2010, theo đó mức đóng góp định kỳ của các quốc gia thành viên IMF sẽ được nâng gấp đôi.

Hiện IMF có khoảng 630 tỷ USD để hỗ trợ các nước có thu nhập trung bình và cao. Trừ đi khoản tài chính đã cam kết dành để hỗ trợ Hy Lạp cũng như các quốc gia khác và khoản tiền dự phòng, IMF chỉ có thể cho vay 383 tỷ USD trong 12 tháng tới. Ngay cả bà Christine Lagarde cũng phải thừa nhận "khoản tiền này có thể không đủ".

Hội nghị thường niên của IMF và WB năm nay diễn ra từ 23 đến 25/9 tại Oasinhtơn (Mỹ), với nhiều cuộc hội thảo, họp báo và các sự kiện bên lề.

L.H-TTG

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN