Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều 2018: Tổng quan trước “giờ G”

Những ngày này, bài dân ca “Arirang” nổi tiếng của người Triều Tiên đang ngân vang không chỉ trên Bán đảo Triều Tiên mà còn nhiều nơi trên thế giới. 11 năm sau Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều gần đây nhất, hai miền mới lại tiến hành cuộc gặp ở cấp cao nhất để thảo luận về những vấn đề cũ song với nhiều niềm hy vọng mới.

Hoa hòa bình tại một quảng trường ở trung tâm thủ đô Seoul.

Hội nghị thượng đỉnh liên Triều giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chính thức bắt đầu lúc 7h30 sáng nay (ngày 27/4 theo giờ Việt Nam). Đây là sự kiện mang tầm vóc lịch sử trong quan hệ hai nước, mở ra hy vọng về một nền hòa bình và ổn định lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên.

Hội nghị là cơ hội quý báu được tạo ra sau hàng loạt nỗ lực và thiện chí từ cả hai bên, nhất là sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố quyết định ngừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa cũng như đóng cửa bãi thử hạt nhân ở miền Bắc đất nước. Lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Triều Tiên sang Hàn Quốc để tham dự hội nghị thượng đỉnh liên Triều tại Nhà hòa bình, phía Nam Khu vực Phi Quân sự (DMZ) chia cắt hai miền.

Bàn hội nghị nơi Tổng thống Hàn Quốc và nhà lãnh đạo Triều Tiên gặp nhau. Ảnh: korea.net

Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3 năm 2018 sẽ là dịp để xây dựng những nấc thang đầu tiên hướng tới phi hạt nhân hóa và thiết lập hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên nói riêng và Đông Bắc Á nói chung, cũng như phát triển quan hệ liên Triều. Việc xây dựng niềm tin giữa hai bên thông qua các cuộc đối thoại thẳng thắn của lãnh đạo hai nước trong bối cảnh quan hệ liên Triều đã bị gián đoạn và xấu đi trong thời gian dài vừa qua là mục tiêu quan trọng của hội nghị lần này.

Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử, Hội nghị thượng đỉnh liên Triều nhiều khả năng sẽ được tiếp nối bởi Hội nghị thượng đỉnh Triều Tiên - Mỹ. Nếu có thể tổ chức thành công liên tiếp cả Hội nghị thượng đỉnh liên Triều và Triều-Mỹ, thì điều đó có thể tạo ra dấu mốc lịch sử góp phần giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên và thiết lập hòa bình bền vững tại khu vực này, điều được cộng đồng quốc tế đang mong đợi và ủng hộ.

Theo thông báo của Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, tính đến ngày 25/4, mọi công tác tổ chức cho sự kiện lịch sử này đã hoàn tất. Về chương trình nghị sự, Hội nghị thượng đỉnh lần này dự kiến đưa ra thảo luận một cách toàn diện hàng loạt vấn đề như phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, thiết lập hòa bình và phát triển quan hệ liên Triều. Chính phủ Hàn Quốc sẽ cân bằng cả ba vấn đề của chương trình nghị sự này, đồng thời xem xét cả các phương án để có thể triển khai thỏa thuận liên Triều một cách nhất quán và hiệu quả.

Ngôi nhà hòa bình ở làng đình chiến Panmunjom, nơi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh liên Triều 2018. Ảnh: korea.net

Về vấn đề phi hạt nhân hóa, Chính phủ Hàn Quốc mong chờ Hội nghị thượng đỉnh liên Triều 2018 sẽ có thể tái khẳng định ý định phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng, qua đó mở đường để đạt được những bước tiến mang tính thực chất nhằm giải quyết hòa bình vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Về vấn đề thiết lập nền hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên, dự kiến các vấn đề liên quan đến thiết lập nền hòa bình lâu dài trong đó bao gồm cả các biện pháp xây dựng niềm tin lẫn nhau và làm dịu bớt căng thẳng quân sự giữa hai miền sẽ được đưa ra thảo luận.

Về vấn đề phát triển quan hệ liên Triều một cách bền vững, các khía cạnh của quan hệ song phương như đối thoại và giao lưu hợp tác hay nhân đạo sẽ được thảo luận dựa trên nền tảng kế thừa và phát triển các thỏa thuận hiện có giữa hai miền như Tuyên bố chung liên Triều 4/7, Hiệp định cơ bản liên Triều, Tuyên bố chung 15/6, Tuyên bố thượng đỉnh 4/10.

Lần đầu tiên các phóng viên nước ngoài được đưa tin Hội nghị thượng đỉnh liên Triều từ Khu Phi Quân sự (DMZ). Phóng viên các hãng tin lớn của thế giới như Bloomberg (Mỹ), Tân hoa xã (Trung Quốc), Kyodo (Nhật Bản), Reuters (Anh) sẽ trực tiếp đưa tin về hội nghị.

Theo Ủy ban hậu cần Hội nghị thượng đỉnh liên Triều, tính đến ngày 25/4, đã có 1.981 phóng viên đến từ 176 tờ báo của Hàn Quốc và 869 phóng viên của 40 nước khác – trong đó có CNN, BBC, CCTV, NHK – đăng ký với ban tổ chức tại trung tâm báo chí.

Trung tâm báo chí của hội nghị.

Nhật Bản là quốc gia cử nhiều phóng viên nhất – 366 người thuộc 25 hãng tin lớn nhỏ. 15 quốc gia khác lần đầu tiên cử phóng viên tới đưa tin, trong đó có Áo, Thái Lan, Ấn Độ và Bulgary… Ngoài ra, Hàn Quốc và Triều Tiên cũng nhất trí lần đầu tiên phát sóng trực tiếp cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai bên.

Hàng loạt diễn biến khởi sắc trên Bán đảo Triều Tiên thời gian qua đang làm dấy lên hy vọng về một hội nghị thành công, dẫn tới những chuyển biến tích cực và thiết thực vì hòa bình-ổn định lâu dài không chỉ cho “những người anh em” Triều Tiên và Hàn Quốc nói riêng, mà còn cho cả khu vực Đông Bắc Á nói chung.

(Báo Tin tức sẽ tường thuật trực tiếp sự kiện Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều 2018)

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
Không chỉ có liên Triều, vẫn còn cuộc gặp thượng đỉnh khác gây chú ý
Không chỉ có liên Triều, vẫn còn cuộc gặp thượng đỉnh khác gây chú ý

Trong khi cả thế giới đang đổ dồn sự chú ý về Hội nghị thượng đỉnh liên Triều được tổ chức vào sáng 27/4, thì vẫn sẽ có một cuộc gặp quan trọng khác diễn ra tại Trung Quốc, với kết quả có thể ảnh hưởng tới 1/3 dân số thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN