Hội nghị thượng đỉnh EU: Nhất trí với “Công ước tài chính”

Trong hội nghị được coi là cơ hội cuối cùng để cứu đồng euro, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) ngày 9/12 đã nhất trí về việc thành lập một "Công ước tài chính" mới dựa trên các hiệp ước liên chính phủ, tuy nhiên không đạt được đồng thuận về đề xuất thay đổi Hiệp ước châu Âu của Pháp và Đức.

Từ trái qua phải: Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Josse Manuel Barroso tại một cuộc họp báo sau Hội nghị thượng đỉnh EU. Ảnh: AFP/ TTXVN


Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy cho biết, thỏa thuận trên đạt được sau gần 10 giờ thương thảo căng thẳng trong cuộc họp thượng đỉnh EU diễn ra tại Brúcxen (Bỉ), 17 nước thành viên khu vực sử dụng đồng euro và 9 nước EU không dùng đồng euro trừ Anh đã nhất trí tham gia vào Công ước tài chính mới dựa trên các hiệp ước liên chính phủ.

Trong một tuyên bố được đưa ra, các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí về một "nguyên tắc vàng": Thắt chặt kỷ luật về ngân sách nhằm ngăn chặn tái diễn một cuộc khủng hoảng nợ công. Thỏa tuận này giới hạn thâm hụt cơ cấu sẽ ở mức 0,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của mỗi nước thành viên khu vực sử dụng đồng euro và trần nợ công vẫn duy trì ở mức 3% GDP, kèm theo điều luật mới quy định nếu nước nào vi phạm sẽ tự động bị trừng phạt. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo vẫn còn phải thảo luận về hình thức pháp lý của thỏa thuận và không loại trừ khả năng tiến trình này sẽ vấp phải không ít trắc trở. Bởi vì, theo thỏa thuận mới, việc duy trì cân bằng ngân sách đòi hỏi tất cả các nước thành viên khu vực sử dụng đồng euro phải sửa đổi hiến pháp.

Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo EU cũng thống nhất một số biện pháp mà họ hy vọng sẽ lấy được niềm tin từ các thị trường, trong đó có đề cập tới việc sớm áp dụng Quỹ cứu trợ tương lai, hay còn gọi là Cơ chế Ổn định châu Âu (ESM). Dự kiến, quỹ này sẽ có hiệu lực vào tháng 7/2012. Các nhà lãnh đạo EU cũng cho biết khi ESM có hiệu lực sẽ xem xét lại quy mô 500 tỷ euro của quỹ có cần phải điều chỉnh hay không. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo EU cũng nhất trí với ý tưởng cung cấp các khoản vay song phương cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) với tổng giá trị 200 tỷ euro, trong đó Eurozone đóng góp 150 tỷ euro, để IMF có đủ nguồn lực ứng phó với cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu.

Trong khi đó, các nhà ngoại giao EU ngày 9/12 cho biết tại hội nghị, khối này đã không nhận được sự tán thành của tất cả 27 nước thành viên về việc sửa đổi Hiệp ước Lixbon. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều khả năng từ nay trở đi, mọi thỏa thuận của khối sẽ chỉ liên quan tới 17 quốc gia thuộc khu vực sử dụng đồng euro, cộng thêm quốc gia khác muốn tham gia.

Thủ tướng Anh David Cameron cho biết ông đã đưa ra một quyết định "cứng rắn nhưng hữu ích" khi không tham gia sửa đổi Hiệp ước Lixbon. Trước đó, Thủ tướng Cameron cũng tuyên bố nếu lợi ích của Anh không được bảo đảm trong hiệp ước EU mới, Anh sẽ không đồng ý tham gia vào hiệp ước này.

Lê Hải (tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN