Hội nghị thượng đỉnh EU: Đặt trọng tâm vào khủng hoảng nợ Hy Lạp

Sau hai ngày làm việc, Hội nghị thượng đỉnh EU với sự tham dự của nguyên thủ quốc gia và các nhà lãnh đạo chính phủ 27 nước thành viên đã bế mạc tại Brúcxen (Bỉ) với nhiều quyết định quan trọng được đưa ra.

Phát biểu tại cuộc họp báo kết thúc hội nghị, Chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Barroso tuyên bố: Hội nghị lần này có ý nghĩa vô cùng quan trọng vì những quyết định được đưa ra sẽ có những ảnh hưởng lâu dài, trong đó có quyết định về chính sách kinh tế, chính sách nhập cư, chính sách láng giềng phía Nam của EU hay việc Crôatia gia nhập EU.

Tại hội nghị lần này, EU đặt trọng tâm vào vấn đề giải quyết cuộc khủng hoảng nợ đang diễn ra tại Hy Lạp có nguy cơ lây lan toàn khu vực đồng tiền chung châu Âu. Các nhà lãnh đạo EU đã thống nhất về nguyên tắc giải ngân 12 tỷ euro tiếp theo trong gói cứu trợ khẩn cấp 110 tỷ euro dành cho Hy Lạp đã được thông qua năm 2010, đồng thời sẽ dành cho nước này một gói cứu trợ mới ước khoảng 100 tỷ euro (từ những nguồn chính thức và các nguồn tư nhân), với điều kiện Quốc hội Hy Lạp phải thông qua một gói biện pháp liên quan đến chính sách “thắt lưng buộc bụng”. Ngoài những điều kiện về tài chính, EU cũng kêu gọi tất cả các đảng phái chính trị tại Hy Lạp ủng hộ các mục tiêu chính của kế hoạch “thắt lưng buộc bụng” của nước này, khẳng định sự đoàn kết dân tộc là điều kiện tiên quyết để dẫn đến thành công.

(Từ trái qua phải) Thủ tướng Hunggari Viktor Orban, Thủ tướng Crôatia Jadranka Kosor, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso tại Hội nghị thượng đỉnh EU ngày 24/6. Ảnh: AFP - TTXVN


Phát biểu với báo giới sau hội nghị, Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou nhận định hội nghị đã đưa ra những quyết định rất quan trọng và là “dấu hiệu tích cực cho tương lai của Hy Lạp”. Ông Papandreou cũng cam kết mạnh mẽ rằng Hy Lạp sẽ tiếp tục cải tổ để phát triển kinh tế.

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo EU cũng đã đạt được thỏa thuận về cơ chế ổn định châu Âu để thay thế cơ chế tạm thời hiện nay, sẽ hết hạn vào giữa năm 2013, nhằm đảm bảo cho EU có khả năng tự bảo vệ và tránh được những cuộc khủng hoảng nợ tương tự đang diễn ra tại Hy Lạp.

Cũng tại hội nghị này, EU đã tái khẳng định không gian đi lại tự do Schengen là thành tựu quan trọng của EU. Tuy nhiên, sẽ có một điều khoản bổ sung vào Hiệp ước Schengen, đó là các quốc gia trong trường hợp khẩn cấp (theo hệ thống đánh giá và giám sát của EU) có quyền thiết lập các trạm kiểm soát tại biên giới của mình.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Italia Mario Draghi. Ảnh: internet

Về chính sách láng giềng phía Nam của EU, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Van Rompuy khẳng định: “EU sẽ tiếp tục đóng vai trò chủ chốt trong quá trình phát triển mang tính lịch sử đang diễn ra tại Bắc Phi và Trung Đông” và “EU đang cùng với các đối tác quốc tế chuẩn bị quá trình chuyển giao dân chủ tại Libi”.

Các nhà lãnh đạo EU cũng nhất trí với việc Crôatia trở thành thành viên thứ 28 của khối, với việc thông qua tuyên bố ca ngợi những nỗ lực mạnh mẽ của Crôatia để tiến trình đàm phán về việc nước này gia nhập EU đi đến giai đoạn cuối cùng. Tuyên bố kêu gọi các bên thực hiện mọi công việc cần thiết để kết thúc tiến trình đàm phán vào cuối tháng 6 năm nay. Tuyên bố này được xem là đã chấp thuận trên thực tế việc Crôatia trở thành thành viên thứ 28 của EU. Nếu tiến trình này diễn ra suôn sẻ, Crôatia sẽ gia nhập EU vào ngày 1/7/2013, theo đề xuất của Ủy ban châu Âu. Pháp và một số nước khác đã đề nghị thiết lập một hệ thống giám sát Crôatia thực hiện những cải cách về tư pháp mà nước này đã cam kết.

Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh EU, lãnh đạo các nước EU đã bổ nhiệm Thống đốc Ngân hàng Trung ương Italia Mario Draghi vào vị trí chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Theo đó, từ ngày 1/11/2011 đến ngày 31/10/2019, ông Draghi sẽ chính thức kế nhiệm ông Jean-Claude Trichet sắp mãn nhiệm sau 8 năm ở cương vị này.

Đăng Khoa (P/v TTXVN tại Bỉ)- Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN