Hội nghị thượng đỉnh BRICS:Hướng tới hợp tác vì sự ổn định, an ninh và thịnh vượng toàn cầu

* BRICS tiếp tục là niềm hy vọng của kinh tế thế giới

Ngày 29/3, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ tư của nhóm BRICS (gồm Braxin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đã diễn ra tại thủ đô Niu Đêli (Ấn Độ) trong bối cảnh an ninh được thắt chặt trên tất cả các tuyến phố chính của khu trung tâm và nơi diễn ra hội nghị.

(Từ trái sang phải) Tổng thống Braxin, Tổng thống Nga, Thủ tướng Ấn Độ, Chủ tịch Trung Quốc và Tổng thống Nam Phi tại hội nghị.


Chủ đề của hội nghị lần này là "BRICS hợp tác vì sự ổn định, an ninh và thịnh vượng toàn cầu". Tại phiên họp toàn thể, Thủ tướng nước chủ nhà Manmohan Singh và các nhà lãnh đạo của bốn nước còn lại gồm Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Tổng thống Braxin Dilma Rousseff và Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến kinh tế, chính trị và an ninh, đặc biệt là lĩnh vực hợp tác thương mại nội khối.

Các nhà lãnh đạo xem xét kế hoạch thành lập ngân hàng phát triển chung của BRICS để cấp vốn cho các dự án hạ tầng và phát triển không chỉ tại các nước trong nhóm mà cả ở các nước đang phát triển. Nguyên thủ các nước đồng thời bày tỏ lo ngại về chính sách tiền tệ mà các nước phương Tây đang theo đuổi, cho rằng những chính sách này đang gây phương hại cho các nền kinh tế mới nổi.

Theo hãng tin Tân Hoa xã, kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo BRICS đã ra tuyên bố chung về nhiều vấn đề của thế giới, trong đó nhấn mạnh sự ổn định, an ninh và thịnh vượng toàn cầu. Tuyên bố đề cao vai trò của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), các vòng đàm phán thương mại Doha, khả năng thành lập ngân hàng phát triển chung của BRICS, tình hình tại Trung Đông và Bắc Phi trong đó nổi bật là tình hình Xyri và Iran, tình hình tại Ápganixtan, vấn đề năng lượng và các nỗ lực chống chủ nghĩa khủng bố.

Cụ thể, tuyên bố kêu gọi IMF cải cách cơ chế giám sát và hoan nghênh các ứng cử viên từ các nước đang phát triển cho vị trí Chủ tịch WB. Tuyên bố khẳng định BRICS sẽ tiếp tục nỗ lực tìm kiếm kết quả thành công cho các vòng đàm phán Doha. Tuyên bố bày tỏ lo ngại sâu sắc về tình hình hiện nay tại Xyri, kêu gọi ngừng ngay lập tức bạo lực và các vi phạm quyền con người ở quốc gia này. Theo tuyên bố, tình hình Iran cũng không được phép leo thang thành xung đột bởi hậu quả thảm khốc của nó không đem lại lợi ích cho bất cứ ai.

Hiện chiếm gần 18% GDP, 40% dân số, 15% thương mại và 40% dự trữ ngoại tệ toàn cầu, BRICS đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế thế giới. Ngân hàng Goldman Sachs của Mỹ cho rằng tiềm năng kinh tế của 5 nước BRICS rất mạnh và họ có thể nằm trong nhóm 4 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2050. Đối mặt với viễn cảnh kinh tế ảm đạm và khả năng phục hồi chậm chạp của các nền kinh tế phát triển, các nhà phân tích cho rằng BRICS nên hợp tác chặt chẽ hơn nữa, xóa bỏ bất đồng, nhằm gặt hái những thành công rực rỡ hơn. Nhiều chuyên gia đánh giá BRICS tiếp tục là niềm hy vọng của kinh tế thế giới.

Minh Lý - Tiến Hiến (P/v TTXVN tại Niu Đêli)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN