Hội nghị IMF-WB lo ngại hậu quả của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang leo thang

Tại cuộc họp thường niên bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương các nước thành viên Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đang diễn ra tại Nusa Dua trên đảo Bali của Indonesia, các chuyên gia kinh tế toàn cầu đã tập trung thảo luận về những rủi ro đối với nền kinh tế thế giới, trong đó chủ nghĩa bảo hộ là một trong những vấn đề được quan tâm nhất.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati (phải) và Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde trong cuộc gặp tại Nusa Dua ngày 9/10/2018. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, cuộc chiến thương mại đang leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc cũng là một trong những chủ đề nóng được thảo luận tại hội nghị lần này. Ngày 10/10, Bộ trưởng Tài chính Indonesia, bà Sri Mulyani Indrawati cho biết, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump theo đuổi một thỏa thuận tốt hơn cho các công ty và nông dân Mỹ đã mở màn cho việc thiết lập chủ nghĩa bảo hộ. Bà khẳng định: "Khi tất cả các nền kinh tế bắt đầu thực hiện chủ nghĩa bảo hộ, kinh tế toàn cầu sẽ tồi tệ hơn do khối lượng thương mại bị giảm, tăng trưởng cũng sẽ giảm".

Trước đó, ngày 9/10, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2018 - 2019 xuống 3,7%, đồng thời nhấn mạnh rằng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc đang ảnh hưởng nhiều đến kinh tế thế giới, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi, trước mắt sẽ ảnh hưởng nhiều đến thanh khoản và dòng vốn bị chảy ra ngoài.

Trong khi rất nhiều quốc gia đang phải đối mặt với những khó khăn do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc gây ra, việc hợp tác nhằm giảm thiểu những thiệt hại từ cuộc chiến này cũng rất khó khăn. Bộ trưởng Sri Mulyani nói: "Thật khó để chỉ ra rằng các quốc gia có liên quan sẽ phối hợp hiệu quả hơn như thế nào trong tình hình hiện nay, nhất là khi mỗi quốc gia có những vấn đề nội tại khác nhau".

Các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Indonesia, đang phải hứng chịu hậu quả do Mỹ gia tăng lãi suất. Đồng nội tệ Rupiah của nước này đang bị mất giá nhanh, mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998.

Bộ trưởng Sri Mulyani dự kiến sẽ gặp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin vào cuối tuần này, hy vọng rằng Mỹ và Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ lắng nghe những lo ngại của các nước khác về tác động từ các chính sách của Mỹ đối với kinh tế thế giới. Đề cập đến những tác động tiềm tàng đối với Indonesia do kinh tế Trung Quốc bị suy giảm, bà nói điều này sẽ phụ thuộc vào cách Trung Quốc thực hiện để ngăn chặn nền kinh tế rơi vào khủng hoảng.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Indonesia. Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và liên tục của quốc gia này trong nhiều năm qua đã tạo ra một thị trường lớn cho việc xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên của Indonesia. Việc nới lỏng thanh khoản của các ngân hàng ở Trung Quốc gần đây có thể tạo ra nhu cầu nhập khẩu nhiều hơn và đó cũng là cơ hội cho các quốc gia xuất khẩu vào Trung Quốc, trong đó có Indonesia. Tuy nhiên cũng có một nguy cơ khác đó là hàng hóa của Trung Quốc sẽ tràn sang các nước khác sau khi bị Mỹ áp đặt mức thuế mới.

 

Trần Chiến (TTXVN)
Rủi ro toàn cầu từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung
Rủi ro toàn cầu từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã lần đầu tiên hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sau hơn 2 năm, chủ yếu xuất phát từ những quan ngại về sự leo thang căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế nhất nhì thế giới là Mỹ và Trung Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN