Hội nghị COP15 về chống sa mạc hóa tìm cách giải quyết tình trạng đất suy thoái

Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia (COP15) Công ước Liên hợp quốc chống sa mạc hóa sẽ chính thức khai mạc sáng ngày 9/5 tại thành phố Abidjan của Côte d'Ivoire, với sự có mặt của một số nguyên thủ quốc gia, trong đó các bên tham dự dự kiến tìm cách hành động cụ thể trước tình trạng suy thoái đất nhanh chóng và những hậu quả đối với đa dạng sinh học và con người.

Chú thích ảnh
Sa mạc tại châu Phi. Ảnh: RT

Ít được biết đến hơn so với hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu, COP15 của Công ước LHQ chống sa mạc hoá (UNCCD) giải quyết các vấn đề quan trọng không kém vào thời điểm LHQ ước tính 40% diện tích đất bị suy thoái trên toàn thế giới.

Dự kiến, 9 nguyên thủ châu Phi cùng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula Von Der Leyen sẽ tham gia các cuộc tranh luận qua cầu truyền hình. Các nhà lãnh đạo tham dự sẽ cố gắng thống nhất các biện pháp cụ thể nhằm ngăn chặn sự gia tăng của quá trình sa mạc hóa.

Thông cáo của UNCCD nêu rõ, với chủ đề "Đất đai - Sự sống - Di sản: Từ một thế giới bấp bênh đến một tương lai thịnh vượng", sự kiện lần này là lời kêu gọi hành động để đảm bảo rằng đất đai, nguồn sống của chúng ta trên hành tinh này, sẽ tiếp tục mang lại lợi ích cho các thế hệ hiện tại và tương lai.

Theo LHQ, hội nghị sẽ đặc biệt chú ý đến việc khôi phục 1 tỷ hécta đất bạc màu vào năm 2030, tính bền vững của việc sử dụng đất trước tác động của biến đổi khí hậu và chống lại sự gia tăng các rủi ro thiên tai như hạn hán, bão cát và cháy rừng. Lục địa châu Phi bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi quá trình sa mạc hóa, đặc biệt là ở dải Sahel.

Một dự án thực vật nhằm khôi phục hàng trăm triệu hécta đất khô cằn ở châu Phi vào năm 2030 trên dải đất dài 8.000 km từ Senegal đến Djibouti sẽ được ưu tiên đưa ra bàn bạc và tìm hướng giải quyết cụ thể tại hội nghị. Dự kiến hội nghị kéo dài đến hết ngày 20/5.

Trung Khánh  (TTXVN)
Cảnh báo của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu
Cảnh báo của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu

Theo Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc (LHQ), nhân loại chỉ có chưa đến 3 năm để cắt giảm khí thải, qua đó đảo ngược tác động của biến đổi khí hậu gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN