Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20: Loay hoay với bài toán giải cứu Eurozone

Khai mạc ngày 26/2 (giờ Việt Nam) tại Thành phố Mêhicô (thủ đô của Mêhicô), Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) đặt trọng tâm vào việc thúc đẩy sự ổn định và phát triển của nền kinh tế toàn cầu và tìm lời giải cho cuộc khủng hoảng nợ công đang làm chao đảo Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20. Ảnh: Internet


Một trong những chủ đề quan trọng của hội nghị kéo dài 3 ngày này là việc “bơm” thêm tiền cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để quỹ này có đủ năng lực hỗ trợ các nước Eurozone đang ngập trong nợ nần. Tuy nhiên, theo nhận định của các nhà phân tích, rất ít khả năng đạt được thỏa thuận do những bất đồng giữa các nước thành viên G20 về việc “bơm” thêm tiền cho IMF khó có thể được giải quyết trong tương lai gần.

Trong khi châu Âu đang rất hy vọng Trung Quốc, Nhật Bản và các nước khác sẽ tăng thêm khoản đóng góp cho IMF để giúp châu Âu kiểm soát khủng hoảng nợ, nhiều nước G20 cho rằng, trước tiên châu Âu cần tạo ra các “bức tường lửa” vững chắc, nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan của khủng hoảng nợ tới các khu vực khác, trước khi nhận được sự giúp đỡ từ bên ngoài.

Bộ trưởng Tài chính Mêhicô, Jose Antonio nói hiện vẫn còn quá sớm để bàn đến những cách thức hay con số cụ thể mà các nước G20 sẽ cam kết để tăng nguồn lực cho IMF.

Ngay cả Đức, thành viên chủ chốt của Eurozone, cũng không đồng tình với giải pháp “bơm” thêm tiền và cho rằng, điều này sẽ làm giảm áp lực đối với những quốc gia cần tiến hành những cải cách tài chính và kinh tế để đưa ngân sách của họ vào tầm kiểm soát. Bộ trưởng Tài chính Đức, Wofgang Schaeuble khẳng định, việc “bơm tiền không dứt vào các quỹ cứu trợ có thể khiến các quốc gia thiếu quyết tâm trong tiến hành các cải cách, và cũng không cải thiện được triển vọng kinh tế của Eurozone”.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Đức, Jens Weidmann cho rằng sẽ không có quyết định nào về vấn đề này được đưa ra tại hội nghị. Ngay cả các nước G20 sẵn sàng giúp đỡ châu Âu cũng sẽ phải chờ cho đến khi các nhà lãnh đạo của khu vực chứng minh rằng họ đang nỗ lực hành động để giải quyết cuộc khủng hoảng.

Mỹ, nước có tiếng nói lớn nhất trong IMF, đã khẳng định sẽ không cấp thêm tiền mặt cho thiết chế này, nhất là khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ trong năm nay sẽ khiến việc phê chuẩn của Quốc hội đối với một giải pháp như vậy trở nên khó khăn.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Braxin, Guido Mantega gắn việc “bơm” tiền cho IMF với điều kiện Eurozone phải tăng cường “bức tường lửa” và những nước đóng góp cho IMF phải được trao thêm quyền quyết định tại thể chế tài chính này.

Hiện nay, hy vọng huy động được thêm 500 tỷ USD của IMF chủ yếu đặt vào Trung Quốc và Nhật Bản cùng một số nước khác. Nhật Bản cho biết có thể “bơm” thêm cho IMF 50 tỷ USD song chưa có cam kết chính thức. Tuy vậy, cả Trung Quốc và Nhật Bản đều cho rằng, để “bơm” tiền cho IMF thì Eurozone cần phải “đi trước”.
Trong khi đó, châu Âu hiện vẫn chưa nhất trí được việc hợp nhất Quỹ Ổn định Tài chính châu Âu (EFSF - một quỹ tạm thời) với Cơ chế Ổn định châu Âu (ESM - quỹ thường trực). Việc hợp nhất hai quỹ, sẽ đi vào hoạt động từ tháng 7 tới, sẽ tăng năng lực cho vay của châu Âu lên 750 tỉ euro (1.000 tỷ USD) đồng thời phát đi tín hiệu với các thị trường thế giới rằng, châu Âu đã thực hiện cam kết đưa cuộc khủng hoảng vào vòng kiểm soát. Dự kiến, ngày 1 và 2/3, các lãnh đạo châu Âu sẽ họp tại Brúcxen (Bỉ) để thảo luận về vấn đề này.

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 là bước chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh G20, dự kiến diễn ra tại thành phố biển Los Cabos (Mêhicô) vào tháng 6 tới dưới sự điều hành của nước chủ nhà, hiện là Chủ tịch luân phiên G20.

Minh Hằng


pHội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN