Hội đồng Bảo an LHQ chia rẽ về vấn đề trừng phạt Xyri

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) vẫn chia rẽ xung quanh việc thông qua một nghị quyết có thể cho phép áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Xyri.

Truyền hình chiếu cảnh người ủng hộ Tổng thống al-Assad tấn công một chiếc xe ra khỏi đại sứ quán Mỹ ở Đamát ngày 29/9. Ảnh AFP-TTXVN

 

Ngày 29/9, HĐBA lại tiến hành họp kín nhằm cố gắng vượt qua những chia rẽ về khả năng thông qua một nghị quyết đầu tiên của LHQ lên án các vụ bạo lực kéo dài 6 tháng qua tại Xyri và kêu gọi các bên ngồi vào bàn đàm phán để tìm một giải pháp chính trị cho tình hình ở Xyri. Tuy nhiên, các nước châu Âu và Nga vẫn bất đồng về việc đưa vào nội dung nghị quyết điều khoản có thể mở đường cho việc trừng phạt chống Xyri.

Theo các nguồn tin ngoại giao tại LHQ, các nước phương Tây và Nga mỗi bên đã đề xuất một dự thảo nghị quyết riêng rẽ về Xyri. Dự thảo do Anh, Pháp, Đức và Bồ Đào Nha đồng bảo trợ nhấn mạnh một nghị quyết mà HĐBA có thể thông qua ít nhất sẽ nêu lên khả năng trừng phạt đối với chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad. Đại sứ Đức Peter Wittig cho biết cuộc thảo luận tại HĐBA ngày 29/9 diễn ra tốt đẹp và các nước đang nỗ lực để đi tới một thông điệp chung và mạnh mẽ của hội đồng. Ông nhấn mạnh châu Âu muốn giữ thông điệp cốt lõi của nghị quyết liên quan đến việc cân nhắc trừng phạt Xyri và nếu các vụ bạo lực, trấn áp ở Xyri không chấm dứt, sẽ có thêm các biện pháp mới được đưa ra.

Tuy nhiên, Nga phản đối bất cứ nghị quyết nào đề cập tới khả năng trừng phạt Xyri. Tuyên bố với báo giới sau cuộc họp trên, Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin nhấn mạnh Mátxcơva hoàn toàn phản đối việc đe dọa trừng phạt Xyri và "chúng tôi không phải là nước duy nhất có quan điểm như vậy".

Trong số các ủy viên không thường trực của HĐBA, Ấn Độ cũng bày tỏ phản đối việc để ngỏ biện pháp trừng phạt Xyri. Đại sứ Ấn Độ tại LHQ, ông Hardeep Singh Puri, cho biết tất cả 15 thành viên HĐBA đang cố gắng đưa ra một thông điệp chung, và Niu Đêli muốn đảm bảo rằng nghị quyết của HĐBA phải nêu một "thực tế rằng tình trạng bạo lực ở Xyri hiện nay là do một số yếu tố cực đoan quá khích gây ra".

Cả hai đại sứ Nga và Ấn Độ cho biết họ muốn nghị quyết kêu gọi tất cả các bên cam kết đối thoại chính trị để giải quyết xung đột.

Trong khi đó, Pháp đang cân nhắc thảo một văn kiện mới về vấn đề Xyri và dự kiến đưa ra thảo luận trong ngày 30/9.

Từ nhiều tuần nay, phương Tây liên tục hối thúc HĐBA nhanh chóng thông qua một nghị quyết về Xyri, nhưng các cuộc thảo luận tại cơ quan quyền lực này đã bị sa lầy do bất đồng giữa một bên là các nước phương Tây và bên kia là Nga và Trung Quốc, hai ủy viên thường trực trong HĐBA dọa sẽ phủ quyết việc trừng phạt Xyri. Các ủy viên không thường trực như Ấn Độ, Nam Phi và Braxin cũng phản đối một nghị quyết như vậy, một phần do lo ngại nghị quyết có thể được sử dụng như một cái cớ để can thiệp quân sự chống Xyri.

Liên quan đến tình hình Xyri, Bộ Ngoại giao Mỹ và Nhà Trắng ngày 29/9 đã lên án vụ tấn công Đại sứ nước này tại Đamát. Oasinhtơn đòi Xyri phải có trách nhiệm bảo đảm an toàn cho các nhà ngoại giao và nhân viên sứ quán Mỹ tại Đamát.

Phát biểu với báo giới tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Hillary Clinton lên án mạnh mẽ "vụ tấn công tùy tiện" nhằm vào Đại sứ Robert Ford hôm 29/9 và yêu cầu Chính phủ Xyri làm tất cả những gì có thể để bảo vệ các nhà ngoại giao Mỹ tại Xyri. Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney cho rằng vụ tấn công Đại sứ Ford là hành động xấu xa và không thể bào chữa.

Những tuyên bố trên được đưa ra sau khi Đại sứ Mỹ tại Xyri Ford đã bị người biểu tình ủng hộ chế độ phong tỏa bên trong một tòa nhà khi ông này tới văn phòng của nhân vật đối lập Hassan Abdul-Azim, người đứng đầu đảng Liên minh Dân chủ Xã hội Arập đã bị chính quyền al-Assad đặt ngoài vòng pháp luật. Tin cho biết gần 100 người biểu tình đã tìm cách đột nhập vào văn phòng của ông này khi đại sứ Mỹ tới thăm.

Trước đó, hồi tháng Bảy, Đại sứ Mỹ cũng đã bị tấn công khi ông này cùng với Đại sứ Pháp, bất chấp lệnh cấm các nhà ngoại giao phương Tây rời khỏi Đamát, đến thăm thành phố Hama , nơi được coi là cái nôi của làn sóng biểu tình hiện nay ở Xyri.

TTXVN/Tin Tức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN