Hiệu ứng từ xung đột ở Ukraine và nỗi lo an ninh đối với thị trường vũ khí thế giới

Tại châu Á, nơi có ngành công nghiệp quốc phòng phát triển nhanh nhất, sự nổi lên mạnh mẽ về quân sự của Trung Quốc cũng đang dẫn đến việc mở rộng quy mô sản xuất vũ khí. Bốn công ty Trung Quốc đã lọt vào top 10 nhà sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ, Joe Biden chào hỏi nhân viên tại cơ sở của Lockheed Martin vào tháng 5/2022. Ảnh: NYT

Theo tờ The Economic Times, cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine đã thúc đẩy doanh số bán vũ khí, nhưng đó không phải là động lực duy nhất. Các quốc gia châu Âu đang muốn tăng cường phòng thủ, trong khi Nhật Bản, Ấn Độ cẩn trọng trước các động thái của người láng giếng khổng lồ, và những cuộc xung đột liên miên ở Trung Đông.

Đơn đặt hàng vũ khí tăng lên, giá cổ phiếu tăng vọt và các nhà sản xuất toàn cầu đang tìm cách mở rộng dây chuyền sản xuất để đáp ứng yêu cầu. Bất chấp những hạn chế về chuỗi cung ứng, doanh số bán hàng của 100 nhà sản xuất vũ khí hàng đầu đã đạt mức cao nhất mọi thời đại là 592 tỷ USD vào năm 2021, theo công ty theo dõi doanh số bán vũ khí SIPRI. Đây cũng là năm thứ bảy doanh số vũ khí của Top 100 công ty vũ khí tăng liên tiếp

Con số này dự kiến ​​sẽ tăng lên đáng kể khi quân đội thế giới tăng ngân sách, dành nhiều tiền hơn cho chi tiêu vốn để hiện đại hóa lực lượng, học hỏi từ thành công và thất bại của các vũ khí được triển khai trong cuộc xung đột Ukraine-Nga hay xung đột giữa Armenia và Azerbaijan.

Thị trường vũ khí toàn cầu bị chi phối bởi các công ty Mỹ và châu Âu, vốn trước đây phụ thuộc nhiều vào việc mua hàng của Mỹ và sau đó là hoạt động xuất khẩu của nước này. Nhưng hiện tại, Trung Quốc cũng đang dần nổi lên như một nhà sản xuất và cung cấp vũ khí lớn và tám công ty Trung Quốc được liệt kê trong bảng xếp hạng 100 nhà sản xuất vũ khí hàng đầu do SIPRI tổng hợp hàng năm.

Cuộc khủng hoảng Ukraine đã tác động nhiều nhất đến các nhà sản xuất vũ khí của Mỹ, với việc chính phủ Mỹ gửi vũ khí trị giá hơn 20 tỷ USD cho Kiev chỉ trong vòng chưa đầy một năm. Vũ khí chủ yếu được gửi chủ yếu từ các kho dự trữ hiện có của quân đội Mỹ và sẽ cần được bổ sung, thúc đẩy các công ty tăng thêm tốc độ sản xuất.

Chú thích ảnh
Raytheon Technologies đã nhận các hợp đồng hơn 2 tỉ USD cung cấp tên lửa để chuyển tới Ukraine. Ảnh: NYT 

Chẳng hạn, trong số các loại vũ khí được gửi đến Ukraine có 8.500 tên lửa chống tăng Javelin. Số tên lửa do Lockheed Martin và Raytheon cùng chế tạo này tương đương với bốn năm sản xuất tên lửa. Liên doanh hiện đang tăng gấp đôi năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu mới.

Tương tự, vào năm 2022, Mỹ đã chuyển 1.004.000 viên đạn pháo cho Ukraine. Do năng lực sản xuất hiện tại còn hạn chế, Mỹ hiện có kế hoạch tăng gần gấp ba tốc độ sản xuất trong ba năm tới để bổ sung nguồn cung và điều chỉnh phục vụ nhu cầu gia tăng.

Ở châu Âu, xung đột gia tăng trên khắp thế giới đã làm nảy sinh nhu cầu về các nền tảng vũ khí tiên tiến như máy bay chiến đấu Rafale. Được đặt hàng từ khắp nơi trên thế giới, nhà sản xuất Dassault đã kín lịch sản xuất trong dây chuyển hiện tại đến năm 2029, và đang đàm phán để thiết lập dây chuyền sản xuất thứ hai ở Ấn Độ mới đáp ứng nhu cầu.

Trong một báo cáo về các nhà sản xuất vũ khí hàng đầu toàn cầu, SIPRI lưu ý rằng nhà sản xuất Rheinmetall của Đức - có nhiều loại sản phẩm từ lựu pháo đến vũ khí phòng không, xe tăng chủ lực Panther - ước tính đơn đặt hàng tăng 100 - 150% trong năm tài chính 2022, và 30 - 40% vào năm 2023.

Châu Á, nơi có ngành công nghiệp quốc phòng phát triển nhanh nhất, sự nổi lên mạnh mẽ về quân sự của Trung Quốc cũng đang dẫn đến việc mở rộng quy mô sản xuất vũ khí. Bốn công ty Trung Quốc đã lọt vào top 10 nhà sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới.

Sự mở rộng của Trung Quốc - đưa nước này sở hữu lực lượng hải quân lớn nhất thế giới về số lượng tàu chiến - đang buộc các quốc gia như Ấn Độ và Nhật Bản cũng phải tăng cường sự hiện diện của hải quân. Hải quân Ấn Độ, trong năm 2022 đã đưa vào hoạt động tàu sân bay INS Vikrant với chi phí ước tính 3 tỷ USD, đang tìm kiếm một tàu sân bay khác. Xuất khẩu quốc phòng của Ấn Độ cũng được dự đoán sẽ đạt mức cao mới gần 2 tỷ USD trong năm tài chính này.

Nhật Bản, đối mặt với mối lo ngại an ninh ở khu vực Đông Bắc Á, cũng đang chuyển đổi nhu cầu quốc phòng, hướng tới đảo ngược chính sách an ninh hậu Thế chiến thứ II của mình, và tăng ngân sách quốc phòng lên mức hàng đầu thế giới. Trong chiến lược an ninh quốc gia mới được công bố hôm 16/12/2022, Tokyo đặt ra tham vọng đóng vai trò tích cực hơn trong an ninh khu vực, dự kiến chi 313 tỷ USD trong 5 năm tới để tăng cường khả năng phòng thủ, đưa chi tiêu quân sự lên khoảng 2% GDP, tương đương tiêu chuẩn thành viên NATO. Ngân sách này sẽ bao gồm hơn 36 tỷ USD để mua tên lửa hành trình Tomahawk từ Mỹ và phát triển vũ khí siêu thanh.

Nhu cầu gia tăng và doanh thu dự kiến ​​tăng vọt đã khiến các công ty vũ khí trên toàn cầu chứng kiến ​​giá cổ phiếu tăng vọt bất thường. Hầu hết tất cả các công ty chủ chốt trong ngành công nghiệp quốc phòng đều chứng kiến ​​giá cổ phiếu tăng 30 - 140% trong năm qua.

Chú thích ảnh
 Máy bay F-35 của Lockheed Martin được trưng bày vào năm 2020. Ảnh: NYT

Lockheed Martin, nhà sản xuất quốc phòng lớn nhất thế giới đã chứng kiến ​​giá cổ phiếu tăng 31% trong một năm. Giá cổ phiếu của Northrop Grumman cũng tăng đột biến tương tự.

Cổ phiếu của nhà sản xuất máy bay Pháp Dassault tăng 48%, chỉ kém mức tăng 50% của nhà sản xuất điện tử an ninh quốc phòng Thales. Nhà sản xuất Rheinmetall của Đức đã tăng doanh thu 140% trong năm ngoái do ngân sách quân sự đang được tăng lên trên khắp châu Âu. Những sự tăng trưởng tương tự cũng có thể nhìn thấy ở thị trường Ấn Độ, với những công ty vũ khí mới được IPO đã "làm nóng sàn giao dịch chứng khoán.

Chiến tranh có nghĩa là kinh doanh lớn. Như một nghiên cứu của Đại học Brown (Mỹ) cho thấy, Lầu Năm Góc đã chi 14 nghìn tỷ USD cho cuộc chiến chống khủng bố kéo dài 20 năm ở Afghanistan. Gần một nửa số tiền này được chuyển đến các nhà thầu quốc phòng để cung cấp vũ khí và vật tư cho quân đội, cũng như các nỗ lực vận động hành lang. 

Điều này cũng có nghĩa là các giám đốc điều hành vũ khí hàng đầu nằm trong số những người được trả lương cao nhất trên thế giới, với mức lương lên tới hàng triệu USD để đảm bảo vũ khí được bán nhanh hơn và trở nên nguy hiểm hơn. Một báo cáo của Forbes đưa ra mức thù lao trung bình cho CEO của các hãng sản xuất vũ khí hàng đầu của Mỹ là 21 triệu USD/năm; gấp 95 lần so với những gì một vị tướng quân đội kiếm được. Con số này còn có xu hướng tăng lên khi doanh thu của các công ty vũ khí toàn cầu dự kiến ​​tiếp tục tăng trong 5 năm tới.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Economic Times)
Bộ Quốc phòng hai nước Mỹ và Anh nhận định về sự ‘rung chuyển’ chỉ huy quân đội Nga ở Ukraine
Bộ Quốc phòng hai nước Mỹ và Anh nhận định về sự ‘rung chuyển’ chỉ huy quân đội Nga ở Ukraine

Theo Bộ Quốc phòng hai nước Mỹ và Anh, đó có thể là kết quả của những rắc rối dai dẳng và dấu hiệu cho thấy tình hình ngày một nghiêm trọng mà Nga đang phải đối mặt trong cuộc xung đột ở Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN