Hậu thảm họa tại Nhật Bản: Dây chuyền cung ứng bị gián đoạn

Trận siêu động đất và sóng thần ập xuống Nhật Bản hôm 11/3 vừa qua đã khiến cả các công ty sản xuất ở nước này lẫn các tập đoàn lớn trên thế giới rơi vào cảnh khốn đốn vì dây chuyền cung ứng bị gián đoạn, đặc biệt là các tập đoàn sản xuất ô tô và các công ty điện tử.

Một cơ sở của Toyota ở tỉnh Miyagi bị phá hủy hoàn toàn sau thảm họa động đất, sóng thần ngày 11/3.


Trong số các "đại gia" sản xuất ô tô, ít nhất đã có hãng Toyota thông báo sẽ phải hoãn ra mắt hai dòng xe Prius (theo kế hoạch ban đầu sẽ được giới thiệu vào cuối tháng 4 tới). Toyota đã phải ngừng sản xuất tại 12 nhà máy lắp ráp trong nước ít nhất đến hết ngày 26/3 và ước tính sản lượng giảm 140.000 chiếc ô tô.

Toyota chỉ là một trong hàng chục, thậm chí hàng trăm nhà sản xuất Nhật Bản bị ảnh hưởng bởi gián đoạn dây chuyền cung ứng. Người phát ngôn hãng sản xuất ô tô Honda cho biết, họ cũng chịu tình cảnh tương tự và chưa biết phải làm gì để bù đắp số phụ tùng bị thiếu hụt. Honda cũng phải ngừng sản xuất ở trong nước đến 27/3.

Hãng Suzuki cũng cho biết, ba nhà máy lắp ráp ô tô trong nước trong hai ngày 24 và 25 đã phải sử dụng phụ tùng có sẵn trong kho dự trữ. Hãng này chưa quyết định kế hoạch sản xuất của tuần tới.

Tình hình tại các tập đoàn điện tử cũng không khá hơn. Một số nhà máy Panasonic trong khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất vẫn đóng cửa, trong đó có một nhà máy lắp ráp máy ảnh kỹ thuật số và thiết bị âm thanh ở tỉnh Fukushima.

Hãng Sony cũng phải cắt giảm hoặc ngừng sản xuất tại 5 nhà máy ở Nhật Bản. Tổng số nhà máy của Sony bị ảnh hưởng bởi thảm họa động đất, sóng thần đã tăng lên con số 14. Theo thông báo từ Sony, nếu tình trạng thiếu nguyên liệu và thiết bị còn tiếp diễn, hãng sẽ phải cân nhắc các biện pháp cần thiết, kể cả phải tạm thời chuyển một số công đoạn sản xuất sang nước ngoài.

Trong khi đó, hãng Hitachi chưa biết khi nào một số nhà máy của hãng ở tỉnh Ibaraki mới có thể mở cửa trở lại.

Về chíp điện tử, do Nhật Bản là nước sản xuất 1/5 lượng chíp điện tử máy tính của thế giới với tổng giá trị xuất khẩu 91 tỷ USD trong năm 2010, nên tình hình sản xuất máy tính chắc chắn bị ảnh hưởng, đặc biệt là khi Renesas, hãng sản xuất chíp điện tử lớn thứ 5 thế giới, đang phải ngừng hoạt động tại 3 nhà máy. Ông Sam Perry, Giám đốc đầu tư cấp cao của Quỹ Pictet, cho biết có nhiều thứ chỉ được sản xuất ở Nhật Bản. Không có quốc gia nào có khả năng, sự đồng nhất và công nghệ để sản xuất những sản phẩm công nghệ cao như Nhật Bản. Ông Perry nhấn mạnh: "Lĩnh vực công nghệ cao không thể thiếu vắng Nhật Bản".

Các hãng hàng không và ngành không gian vũ trụ cũng chịu ảnh hưởng do gián đoạn dây chuyền cung ứng. Theo Công ty tư vấn và nghiên cứu Frost & Sullivan, trận động đất ở Nhật Bản đã "đảo lộn dây chuyền cung ứng của ngành không gian vũ trụ", đặt ra một số vấn đề lớn về dây chuyền cung ứng toàn cầu hóa và tiến độ sản xuất.

Theo Công ty Frost & Sullivan, ước tính 35% phụ tùng của máy bay Boeing 787 và 20% phụ tùng của Boeing 777 được sản xuất ở Nhật Bản. Do đó, Boeing đang đối mặt với rủi ro tài chính khi "mắt xích" Nhật Bản trong dây chuyền cung ứng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, Boeing cho biết hãng này có đủ nguồn dự trữ để đối phó tình trạng gián đoạn nguồn cung từ Nhật Bản.

Nhà khai mỏ lớn thứ hai thế giới, Rio Tinto, cũng vô cùng lo lắng vì thảm họa ở Nhật Bản sẽ làm gián đoạn việc cung ứng các thiết bị khai mỏ, ảnh hưởng tới kế hoạch mở rộng sản xuất của tập đoàn này.

Theo hãng tin Reuters, sau thảm họa ở Nhật Bản, các công ty, tập đoàn sản xuất nhận ra rằng dây chuyền cung ứng toàn cầu là một con dao hai lưỡi và sẽ phải cân bằng lại 2 yếu tố là chi phí và cung ứng hàng hóa.

Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều nhà phân tích, tình trạng gián đoạn dây chuyền cung ứng này sẽ kéo dài không lâu do vẫn còn nguồn dự trữ và hàng thay thế. Hơn nữa, khi tình hình thiếu điện ở một số khu vực tại Nhật Bản được khắc phục, các tập đoàn sẽ sản xuất ổn định hơn và phục hồi dần dần.

Thùy Dương

Sony ngừng một số hoạt động tại các nhà máy ở Nhật Bản
Sony ngừng một số hoạt động tại các nhà máy ở Nhật Bản

Hãng sản xuất hàng điện tử tiêu dùng Sony Corp. (Nhật Bản) cho biết họ đang ngừng một số hoạt động sản xuất tại các nhà máy chuyên chế tạo hàng điện tử thông dụng như máy ghi hình kỹ thuật số và máy thu hình ở Nhật Bản

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN