Hậu quả do EU chia rẽ về việc thanh toán khí đốt Nga bằng đồng rúp

Thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng rúp khó đạt được sự đồng thuận trong EU. Về dài hạn, vấn đề này sẽ định hình lại thị trường năng lượng châu Âu.

Chú thích ảnh
Năm 2021, EU đã nhập khẩu hơn 155 tỷ mét khối khí đốt của Nga, phần lớn được vận chuyển qua một mạng lưới đường ống lớn. Ảnh: AP

Báo Kommersant.ru (Nga) ngày 27/4 cho rằng, EU dường như đã không duy trì được sự thống nhất trong vấn đề thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng rúp. Khi Gazprom tuyên bố ngừng giao hàng cho Ba Lan và Bulgaria, Hungary đã đồng ý với thủ tục thanh toán mới của Moskva và các công ty từ Áo và Đức cũng đang xem xét điều này một cách nghiêm túc, mặc dù có khả năng Ủy ban châu Âu đe dọa bằng các biện pháp trừng phạt. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo cắt nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu nếu các quốc gia “không thân thiện” - bao gồm tất cả các nước thuộc EU - không thanh toán mua khí đốt bằng đồng rúp.

EU đã từ chối yêu cầu của Moskva về việc thanh toán này, trong khi Nga không cắt ngay nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu sau ngày 1/4, một phần vì phụ thuộc vào nguồn thu từ khí đốt và một phần vì các khoản thanh toán khí đốt được giao sau ngày 1/4 chưa đến hạn thanh toán vào cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5/2022.

Hôm 27/4, Gazprom đã dừng cung cấp khí đốt cho công ty Bulgargaz của Bulgaria và PGNiG của Ba Lan do họ từ chối chuyển sang kế hoạch thanh toán mới. Trong khi cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto xác nhận rằng nước này đã đồng ý với kế hoạch thanh toán của Nga. Công ty năng lượng nhà nước OMV của Áo đã xác nhận rằng họ đã “phân tích” yêu cầu của Gazprom về những cách khả thi để thanh toán cho khí đốt và đang “tìm giải pháp” tuân thủ các lệnh trừng phạt của EU.

Trong khi đó, công ty Uniper của Đức cũng cho biết họ "cân nhắc có thể thanh toán theo quy định của Chính phủ Nga", lưu ý rằng công ty đang đàm phán với Gazprom và Chính phủ Đức về vấn đề này. Công ty Prvo Plinarsko Drustvo (PPD) của Croatia cho biết hợp đồng cung cấp khí đốt dài hạn với Gazprom "được cả hai bên tuân thủ theo cách thức quy định". 

Hãng Bloomberg trước đó đưa tin, hiện có 4 khách hàng châu Âu đã đồng ý thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng rúp, trong khi có 10 công ty ở châu Âu đã mở tài khoản tại Gazprombank, ngân hàng mà Putin đã chỉ định là ngân hàng sẽ xử lý các khoản thanh toán bằng đồng rúp cho khí đốt của Nga.

Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cảnh báo về "rủi ro cao" đối với những công ty EU đồng ý với các yêu cầu mới của Nga, vì điều này sẽ vi phạm các lệnh trừng phạt của EU. 

“Thanh toán bằng đồng rúp mà không được đề cập trong hợp đồng, là vi phạm các lệnh trừng phạt. Khoảng 97% các hợp đồng quy định rõ ràng về các khoản thanh toán bằng Euro hoặc USD. Các công ty có hợp đồng như vậy không nên đồng ý với các yêu cầu của Nga", bà Leyen nói.

Theo các nhà phân tích, sự chia rẽ trong nội bộ châu Âu liên quan đến việc mua khí đốt từ Nga có thể sẽ gia tăng. Do đó, kế hoạch thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng rúp có thể định hình lại thị trường năng lượng châu Âu.

Maria Belova thuộc tổ chức tư vấn Vygon cho rằng sự chia rẽ trong thị trường khí đốt châu Âu "đã trở nên rõ ràng" và ngày càng phân cực do các quan điểm khác nhau. 

“Có thể thấy trong vấn đề này, EU được chia thành các quốc gia thuộc 'châu Âu mới'-những nước mới gia nhập EU và 'châu Âu cũ'. Phần lớn các quốc gia thuộc 'châu Âu cũ' sẽ chuyển sang cơ chế thanh toán mới. Trong khi các nước 'EU mới' sẽ yêu cầu tuân thủ nguyên tắc đoàn kết và bồi thường thiệt hại kinh tế do suy giảm công nghiệp của họ hoặc yêu cầu được cung cấp khí đốt", bà Belova nói.

Chuyên gia Belova cho rằng vấn đề mấu chốt sẽ là nguồn cung cấp khí đốt trong dài hạn, vì "việc đảm bảo số lượng trong một hoặc hai tháng tới sẽ dễ dàng hơn nhiều trước mùa Hè sắp tới" và do hậu quả của cuộc khủng hoảng này, EU có thể đi đến lựa chọn mua khí đốt tập thể, khi đó "vấn đề cung cấp khí đốt sẽ được gỡ bỏ khỏi từng quốc gia riêng lẻ và nâng lên ở cấp độ liên minh".

Công Thuận/Báo Tin tức
EU dỡ bỏ thuế quan và hạn ngạch nhập khẩu đối với Ukraine
EU dỡ bỏ thuế quan và hạn ngạch nhập khẩu đối với Ukraine

Ngày 27/4, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông đã có cuộc thảo luận với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen về việc tăng cường hỗ trợ cho Kiev, trong đó có hỗ trợ tài chính vĩ mô.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN