Hành động quân sự chống Libi - Mục tiêu “chệch hướng”

Sau khi máy bay liên quân bắt đầu thực hiện các vụ oanh kích xuống Libi, Mỹ và các đối tác trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vẫn khăng khăng rằng sứ mệnh của họ tại quốc gia Bắc Phi giàu dầu mỏ này không đi quá giới hạn bảo vệ dân thường bị đe dọa tính mạng trong các cuộc giao tranh giữa lực lượng ủng hộ nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi và lực lượng nổi dậy. Song, khi lực lượng đối lập lợi dụng sự yểm trợ "từ trên trời rơi xuống" này để tiến quân vào tới quê hương của ông Kadhafi ở Sirte, thì sứ mệnh mang danh nhân đạo của liên minh quốc tế này rõ ràng đang đứng trước nghi vấn "chệch hướng".

Lý lẽ của kẻ mạnh

Tổng thống Mỹ B. Obama phát biểu về quyết định can dự của Mỹ vào Libi tại Oasinhtơn ngày 28/3. Ảnh: AFP-TTXVN

Mười ngày sau quyết định tham gia không kích Libi cũng là chừng đó ngày ông Barack Obama, vị Tổng thống từng đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2009, đối mặt với sự chỉ trích gay gắt cả ở trong và ngoài nước. Nhiều nghị sĩ trong Quốc hội Mỹ cho rằng việc Tổng thống "đơn thương độc mã" quyết định chiến tranh mà không tham khảo ý kiến Quốc hội là một sự lăng mạ đối với Hiến pháp Mỹ. Họ cũng cho rằng sự tham gia này sẽ gây hao tốn cho nước Mỹ thêm 1 tỉ USD nữa mà các thế hệ tương lai của Mỹ phải gánh chịu. Có nghị sĩ lại nhấn mạnh nước Mỹ đã sa vào hai cuộc chiến tranh không biết bao giờ mới kết thúc ở Irắc và Ápganixtan và nay Tổng thống Obama lại đẩy đất nước vào một cuộc chiến nữa mà họ không thể cáng đáng nổi.

Đối mặt với những chỉ trích, trong bài phát biểu biện minh cho quyết định can thiệp quân sự của Mỹ vào Libi đầu tuần này, ông Obama đã dùng những lời lẽ mạnh mẽ để bảo vệ cho quyết định "tiền trảm hậu tấu" khi nói: "Trong khi sứ mệnh quân sự của chúng ta tập trung vào việc bảo vệ dân thường, chúng ta cũng hướng tới một mục đích mở rộng hơn, đó là đất nước Libi thuộc về người Libi chứ không phải thuộc về một nhà độc tài nào". Trong bài phát biểu của mình, ông cũng hơn một lần nhắc đến trách nhiệm "cường quốc" của Mỹ mà vì thế nước này không thể khoanh tay với những "hành động tàn bạo" ở các nước khác. Ông cũng nói rằng có những thời khắc sự an toàn của nước Mỹ không bị đe dọa trực tiếp, song các lợi ích và giá trị của Mỹ bị đe dọa và đó cũng là lý do Mỹ "chọn" Libi chứ không phải các nước Trung Đông Bắc Phi đang gặp bất ổn khác để "trừng phạt".

Đi quá xa

Song, các nghi vấn còn đó. Không ít người đặt ra câu hỏi rằng nếu mục tiêu của hành động trừng phạt quân sự theo như nội dung Nghị quyết 1973 của HĐBA LHQ là bảo vệ thường dân, thì nó có bao gồm những dân thường ủng hộ ông Kadhafi có thể bị gặp nguy hiểm tại những nơi như Sirte vốn đang nằm trong "tầm ngắm" của lực lượng chống đối hay không? Nếu không, thật khó có thể coi sự can thiệp quân sự của phương Tây là hành động nhân đạo trung dung.

Lực lượng nổi dậy chuẩn bị vũ khí để tiến quân về phía thành phố Sirte, quê hương của nhà lãnh đạo M. Kadhafi. Ảnh: AFP-TTXVN

Sirte, nơi có khá nhiều căn cứ quân sự và không quân, mang ý nghĩa quan trọng cả về vị trí chiến lược lẫn giá trị biểu tượng. Trong nhiều năm qua, nhà lãnh đạo Kadhafi đã biến nó trở thành một "thủ đô thứ hai" của Libi và xây dựng trên cộng đồng nông nghiệp yên bình này một thành phố 150.000 dân với những tòa nhà hội nghị nguy nga và thường được chọn lựa làm nơi tổ chức các hội nghị thượng đỉnh của các nước Arập và châu Phi. Các nhà quan sát nhận định giao tranh ở một khu vực đông đúc dân cư như vậy nhiều khả năng sẽ làm phức tạp thêm bước tiến của quân nổi dậy và gây thêm mơ hồ cho chiến dịch vốn được chuyển giao vai trò chỉ huy từ liên quân sang NATO kể từ ngày 30/3. Mục tiêu can thiệp từ chỗ ngăn chặn "cuộc thảm sát dân thường" ở Benghazi, thành trì của lực lượng chống đối chính phủ, giờ đây đã đi quá xa và đang trở thành vô tiền khoáng hậu. NATO đang đứng trước nguy cơ sa vào một cuộc chiến tranh toàn diện ở Libi giống như ở Irắc và Ápganixtan như nhận định của giới quan sát.



Trong khi các vụ oanh kích vẫn tiếp diễn, những hy vọng cho một giải pháp đối với Libi giờ đây đặt vào cuộc họp ở Luân Đôn (Anh) ngày 30/3 với sự tham gia của cả Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU), cùng đại diện cấp cao của tất cả các nước tham gia chiến dịch quân sự chống Libi. Nếu không có một lộ trình và mục tiêu cho cuộc chiến tại quốc gia này, cuộc khủng hoảng tại Libi sẽ là một quá trình kéo dài và báo trước một cam kết mở cho quân đội của khối liên minh tham chiến tại Libi. Lộ trình thay đổi Libi vẫn còn dài mà chưa nhìn thấy hồi kết.

Đỗ Sinh

 
Ngoại trưởng Đức: Libi cần một giải pháp chính trị
Ngoại trưởng Đức: Libi cần một giải pháp chính trị

Tình hình tại Libi không thể giải quyết thông qua “các biện pháp quân sự” là tuyên bố của Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle ngày 1/4.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN