Người phát ngôn Cơ quan thảm họa quốc gia Indonesia, ông Sutopo Purwo Nugroho cho biết phần lớn nạn nhân thiệt mạng là ở khu vực phía Bắc Lombok, nằm cách xa các điểm du lịch chính ở phía Nam và phía Tây của đảo. Ông Nugroho nói rằng cảnh báo sóng thần được ban bố ngay sau trận động đất, sau đó được gỡ bỏ, đã khiến người dân hoảng loạn và lao đi tìm khu vực an toàn. Trong khi đó, hãng tin AFP dẫn lời giới chức cứu hộ Indonesia cho biết phần lớn thiệt hại do trận động đất nằm ở thành phố chính trên đảo Lombok là Mataram.
Theo Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia, vào lúc 18h45 giờ địa phương, một trận động đất mạnh 7 độ Richter đã làm rung chuyển khu vực Bắc Lombok, Tây Nusa Tenggara. Vị trí tâm chấn của trận động đất được xác định nằm ở độ sâu 10 km, cách khoảng 27 km về phía Đông Bắc Lombok. Cơ quan này đã đưa ra cảnh báo sóng thần nhưng sau đó đã gỡ bỏ.
Ngay sau trận động đất mạnh 7 độ Richter làm rung chuyển đảo du lịch Lombok của Indonesia vào chiều tối 5/8, Cơ quan Tìm kiếm cứu nạn quốc gia Indonesia (Basarnas) đã khẩn trương triển khai công tác cứu hộ và sơ tán tại 3 hòn đảo nhỏ ở phía Tây Bắc của Lombok gồm: Gili Trawangan, Gili Air và Gili Meno.
Sáng 6/8, phóng viên TTXVN tại Indonesia dẫn lời người đứng đầu Cơ quan Quản lý thiên tai quốc gia (BNPB) Willem Rampangilei cho biết, trận động đất nói trên đã gây ra 47 trận dư chấn trong khu vực Tây Nusa Tenggara trong đêm khiến nhiều người dân hoảng sợ. Do ảnh hưởng của động đất, khu vực này đã bị mất điện, thiếu điện đã cản trở công tác cứu hộ ngay trong đêm qua.
Hai máy bay trực thăng đã được gửi đến khu vực này để tham gia cứu hộ các nạn nhân, hỗ trợ hậu cần và bổ sung các thiết bị cần thiết. Lực lượng tham gia cứu hộ bao gồm: quân đội, cảnh sát, Basarnas, Bộ Công trình công cộng, Bộ Y tế, Bộ Xã hội, các tổ chức quốc tế, tình nguyện viên và các cơ quan liên quan… Quân đội đang tiếp tục cử binh sĩ bổ sung hỗ trợ. Trọng tâm chính của công tác khắc phục hậu quả động đất lúc này là tìm kiếm, cứu hộ và cứu trợ cho người dân bị ảnh hưởng, sơ tán dân dến nơi an toàn và cung cấp cho họ các nhu cầu cơ bản, đặc biệt là trợ giúp y tế, dược phẩm, hậu cần, lều và thiết bị liên lạc.
Các trường học tại 3 khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Bắc Lombok, Đông Lombok, Mataram tạm thời đóng cửa cho đến khi có thông báo mới.
Người phát ngôn BNPB Sutopo Purwo Nugroho cho biết, tính đến sáng 6/8, đã có 82 người chết, hàng trăm người bị thương và hàng nghìn ngôi nhà bị hư hỏng. Hầu hết các nạn nhân đều chết do sập nhà. Cơ quan chức năng cảnh báo con số thương vong sẽ tiếp tục tăng cao, vì hiện còn nhiều người đang mất tích trong đống đổ nát. Ngoài ra, hiện có khoảng 1.000 du khách đang bị kẹt trên đảo Lombok. Điều kỳ diệu đã xảy ra khi có ít nhất hai sản phụ đã sinh con an toàn trong sơ tán động đất.
Như vậy liên tục từ ngày 29/7 đến nay, khu vực này đã xảy ra 5 trận động đất có cường độ từ 3-7 độ Richter, trong đó trận động đất mạnh 6,4 độ Richter ngày 29/7 đã gây thiệt hại nặng nề, làm 17 người chết, hơn 400 người bị thương và hiện vẫn có hơn 20.000 người phải di dời khỏi nơi ở.