Hàn Quốc: Nét độc đáo của Làng cổ Hahoe

Làng truyền thống của Hàn Quốc được phân chia thành nhiều loại, có làng được thành lập theo kiểu ấp, có làng người dân sinh sống quây quần theo từng dòng họ. Đặc biệt, kiểu làng theo họ tộc xuất hiện từ đầu Triều đại Joseon đã chiếm 80% mô hình làng quê ở Xứ sở Kim Chi.

Chú thích ảnh
Ngôi nhà cổ có tường bằng đất và mái rơm đặc trưng của tầng lớp người nghèo ở Triều đại Joseon.

Theo phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc, làng theo họ tộc có các hộ gia đình hoàn toàn cùng họ hoặc số gia đình có cùng một dòng họ chiếm đa số trong làng, đóng vai trò quyết định trong các sự kiện trọng đại của làng. Làng Hahoe là một trong những ngôi làng cổ vừa có mô hình theo họ tộc vừa là làng của tầng lớp phong kiến điển hình của Hàn Quốc ở triều đại Joseon (1392-1910). 

Chú thích ảnh
Ngôi nhà cổ có tường bằng đất và mái rơm đặc trưng của tầng lớp người nghèo ở Triều đại Joseon. Ảnh: Anh Nguyên/TTXVN

Làng cổ Hahoe ở thành phố Andong (thủ phủ của tỉnh Bắc Gyeongsang, miền Trung Hàn Quốc) với niên đại trên 600 năm là một trong những làng cổ được bảo tồn nguyên vẹn nét sinh hoạt truyền thống theo họ tộc của triều đại Joseon ở Hàn Quốc.

Chú thích ảnh
Yangjindang (Dưỡng Chân Đường) - ngôi nhà tiêu biểu của dòng họ Ryu, hiện do Chi trưởng đời thứ 11 sinh sống.

Tên gọi Hahoe (Hà Hồi) chỉ dòng sông Nakdong uốn lượn quanh làng và cho thấy vị trí “sơn thủy hữu tình” của ngôi làng này. Được hình thành từ cuối thời Goryeo bởi 3 dòng họ lớn ở Hàn Quốc là Huh, Ahn và Ryu, đến cuối thế kỷ XVII làng Hahoe trở thành không gian sinh sống của dòng họ Ryu và hiện chỉ có 100 gia đình còn sinh sống và cũng được biết đến là nơi “chôn rau cắt rốn” của hai anh em Ryu Unryong (học giả về Nho giáo nổi tiếng dưới Triều đại Joseon) và Ryu Sengryong, nguyên Thủ tướng Hàn Quốc trong giai đoạn Nhật Bản chiếm đóng (1592-1598). 

Chú thích ảnh
Chunghyodang (Trung Hiếu Đường) - ngôi nhà cổ nơi hậu duệ của Ryu Seong-ryong, danh nhân nổi tiếng của dòng họ Ryu sinh sống. 

Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, làng Hahoe vẫn bảo tồn nguyên vẹn những đặc điểm kiến trúc tiêu biểu cho không gian sinh hoạt của tầng lớp phong kiến Hàn Quốc như: ngôi nhà của trưởng họ, khu sinh hoạt, từ đường, thư viện, trường học, vườn tược và cảnh quan thiên nhiên. Ngôi làng cũng được xem là một “bảo tàng ngoài trời” về những giá trị tinh thần của tư tưởng Nho giáo với các nghi lễ truyền thống, trò chơi dân gian, sản vật và tác phẩm nghệ thuật (mặt nạ).

Chú thích ảnh
Cây Sồi (Zelkova) có tuổi đời hơn 600 năm - là nơi du khách thăm quan đều viết giấy buộc vào các cột dây chăng dưới gốc cây để cầu sức khỏe, bình an và may mắn.

Các kiến trúc của ngôi làng bao gồm các ngôi nhà gỗ giành cho tầng lớp quý tộc và trưởng họ, ngôi đình, thư viện, trường học và những ngôi nhà có mái bằng rơm và tường bằng đất của tầng lớp dân thường. Giữa làng có cây Sồi (Zelkova) cổ thụ với tuổi đời hơn 600 năm, gốc to cành lá sum xuê, tương truyền là nơi “ngự” của Nữ thần Samsin phụ trợ việc sinh sản, nuôi dưỡng trẻ em trong làng. Đây đã và đang là điểm thăm quan du lịch thu hút lượng lớn du khách ghé thăm.

Chú thích ảnh
Ngôi nhà cổ đặc trưng của tầng lớp địa chủ dưới Triều đại Joseon ở Làng cổ Hahoe.

Địa hình và phong thủy của ngôi làng phản ánh rõ văn hóa Nho giáo của tầng lớp quý tộc phong kiến Triều đại Joseon với đặc điểm dựa lưng vào núi, xung quanh là rừng và phía trước có sông và đồng ruộng bao quanh, có kiến trúc phù hợp với khí hậu oi nóng vào mùa Hè và khô lạnh vào mùa Đông. Điểm khác biệt thú vị là các ngôi nhà ở làng Hahoe đều hướng về phía dòng sông Nakdong theo các hướng khác nhau chứ không đơn thuần là chỉ theo hướng Nam và Đông Nam như thường thấy ở các làng cổ khác của Hàn Quốc.

Chú thích ảnh
Biểu diễn kịch múa mặt nạ truyền thống có tuổi đời trên 800 năm ở làng cổ Hahoe. 

Đây cũng là yếu tố giúp ngôi làng này có mặt trong danh sách “Di sản Thế giới” của UNESCO vào năm 2010. Kịch múa mặt nạ Hahoe là một loại hình biểu diễn nghệ thuật truyền thống tiêu biểu của làng Hahoe vốn có tuổi đời hơn 800 năm, nhằm tái hiện các giai đoạn lịch sử của làng, mô tả các sinh hoạt thường nhật của người dân đồng thời cũng là một hoạt động để cầu bình an cho người dân trong làng. Các buổi biểu diễn đều có chú thích lời thoại của các nhân vật bằng 3 thứ tiếng Anh, Nhật và Trung để phục vụ du khách nước ngoài.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN có mặt tại làng Hahoe, Thị trưởng thành phố Andong Kweon Young-sae cho biết: “Sau khi tàu điện cao tốc ‘KTX-Eum’ thân thiện với môi trường tuyến Jungang (Seoul-Andong) chính thức được khai trương và đưa vào sử dụng từ tháng 1/2021, du khách chỉ mất khoảng 2 giờ để di chuyển từ Seoul đến Andong (thay vì mất từ 4-5 giờ như trước đây). Việc đi lại thuận lợi cùng với những bước chuyển mình quan trọng của thành phố (số hóa các hoạt động kinh tế văn hóa và xã hội, trong đó có lĩnh vực du lịch, dịch vụ) đã và đang giúp Andong trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách cả ở trong và ngoài nước”.

Anh Nguyên (TTXVN)
Kiến trúc độc đáo của tháp Bà Ponagar (Khánh Hòa)
Kiến trúc độc đáo của tháp Bà Ponagar (Khánh Hòa)

Tháp Ponagar (TP Nha Trang - Khánh Hoà) là công trình tiêu biểu về nghệ thuật kiến trúc của dân tộc Chăm được xây dựng theo lối kiến trúc độc đáo của người Chăm và đã tồn tại hơn 1.200 năm. Đây được coi là điểm tham quan du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách khi đến với Nha Trang.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN