Hai ứng cử viên Tổng thống Pháp công kích nhau kịch liệt

Hai ứng cử viên tổng thống Pháp là ông Emmanuel Macron và bà Marine Le Pen đang ra sức đẩy mạnh chiến dịch vận động tranh cử khi quỹ thời gian trước vòng 2 cuộc bầu cử ngày càng thu hẹp.

Ứng cử viên độc lập Emmanuel Macron (ảnh, trái) và ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen (ảnh, phải). Ảnh:  AFP/TTXVN

Với cương lĩnh tranh cử đối lập, có thể thấy rõ tương lai của nước Pháp đang đứng trước 2 lựa chọn: một đất nước gần gũi với Liên minh châu Âu (EU), thương mại tự do theo quan điểm của ứng cử viên Macron hay một đất nước đóng cửa biên giới và từ bỏ đồng tiền chung euro mà bà Le Pen theo đuổi.

Trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình ngày 27/4, ông Macron khẳng định mục tiêu của ông là hàn gắn sự chia rẽ của nước Pháp trong mối quan hệ với EU. Ông tuyên bố sẽ bảo vệ EU thông qua việc cải tổ bộ máy của khối. Ông khẳng định thách thức hiện nay là đoàn kết công dân trong khối và giải pháp cho vấn đề này là phải đưa ra được biện pháp bảo vệ công dân EU trong quá trình toàn cầu hóa. Ông cam kết sẽ tìm kiếm các biện pháp trừng phạt những nước thành viên gây tổn hại đến giá trị và vi phạm các nguyên tắc của EU nếu ông đắc cử tổng thống.

Trong khi đó, bà Le Pen, cựu Chủ tịch đảng cực hữu "Mặt trận Quốc gia" (FN) thẳng thừng công kích chính sách của đối thủ. Bà Le Pen tuyên bố: "Đất nước mà ông Macron mong muốn không còn là một nước Pháp. Đó là một khoảng không, vùng đất bỏ hoang và là một căn phòng giao dịch nơi chỉ có kẻ bán người mua". Theo đánh giá của bà Le Pen, những chính sách mà ông Macron đi ngược lại lợi ích của nước Pháp. Do đó, phát biểu trước 4.000 người ủng hộ tại thành phố Nice, bà khẳng định cuộc bầu cử lần này là một cuộc trưng cầu ý dân về sự lựa chọn vì nước Pháp hay chống nước Pháp. Bà kêu gọi cử tri lựa chọn nước Pháp.

Liên quan đến EU, bà Le Pen bày tỏ mong muốn thay thế một "EU xám xịt" bằng một "châu Âu hạnh phúc và đa sắc màu". Bà cho rằng EU đang mang một màu xám như màu trang phục của những nhà kỹ trị. Trong các chiến dịch tranh cử trước đây, bà Le Pen từng tuyên bố nếu đắc cử sẽ tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên của Pháp trong EU, tuy nhiên, lần này, ứng cử viên cực hữu không đề cập đến quan điểm muốn Pháp từ bỏ sử dụng đồng euro - một trong những chính sách mà bà theo đuổi lâu nay. Bà không ngừng nhắc đến việc rút Pháp khỏi khu vực đi lại tự do Schengen gồm 26 nước châu Âu, song tái khẳng định mong muốn về "một châu Âu của những quốc gia tự do và hợp tác".

Vòng đầu cuộc đua vào điện Elysée kết thúc hôm 23/4 vừa qua với kết quả ông Macron dẫn đầu với số phiếu 24,01% và bám đuổi sát nút là bà Marine Le Pen với số phiếu 21,30%. Giới phân tích đánh giá cao khả năng chiến thắng của ứng cử viên trẻ tuổi Macron. Nhiều nhà lãnh đạo cũng đã vận động ủng hộ cho ông Macron, trong đó có Tổng thống Francois Hollande cùng hai ứng cử viên thất bại tại vòng một là cựu Thủ tướng Francois Fillon và ứng cử viên đảng Xã hội Benoit Hamon. Mới đây nhất, ngày 26/4, cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy tuyên bố ủng hộ ông Macron trong cuộc đua quyết định.

Theo các kết quả thăm dò mới nhất, ông Macron sẽ giành chiến thắng trước bà Le Pen trong vòng 2 bầu cử tổng thống Pháp diễn ra vào ngày 7/5 tới với tỷ lệ phiếu cách biệt lên tới 21%.

TTXVN/Tin Tức
EP cáo buộc ứng cử viên Tổng thống Pháp Le Pen tiêu tốn 5 triệu euro
EP cáo buộc ứng cử viên Tổng thống Pháp Le Pen tiêu tốn 5 triệu euro

Nghị viện châu Âu (EP) cáo buộc ứng cử viên tranh cử Tổng thống Pháp thuộc đảng cực hữu "Mặt trận Dân tộc" (FN), bà Marine Le Pen tiêu tốn gần 5 triệu euro ngân sách của Liên minh châu Âu để chi trả cho đội ngũ trợ lý phục vụ hoạt động chính trị trong nước của FN giai đoạn 2012-2017.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN