Hai nước Xuđăng bên bờ vực chiến tranh

Máy bay chiến đấu của Xuđăng vẫn tiếp tục dội bom những khu vực tranh chấp với Nam Xuđăng, trong khi lãnh đạo Nam Xuđăng cáo buộc Xuđăng đang “tuyên chiến”. Chiến sự ngày càng ác liệt tại khu vực biên giới tranh chấp đang đẩy hai quốc gia vốn “cùng một mẹ” này đến bên bờ vực một cuộc chiến tranh tổng lực.

Các hãng tin nước ngoài ngày 25/4 cho biết, bất chấp những lời kêu gọi kiềm chế từ cộng đồng quốc tế, ngày 24/4 Xuđăng vẫn oanh kích vào khu vực biên giới giàu dầu mỏ thuộc bang Unity của Nam Xuđăng, làm ít nhất 16 thường dân thiệt mạng và 34 người bị thương. Các cuộc không kích mở sâu vào lãnh thổ Nam Xuđăng khoảng 25 km từ đường biên giới, dù binh lính Nam Xuđăng đã rút khỏi giếng dầu Heglig mà họ chiếm giữ trong 10 ngày trước đó.


Binh sỹ Xuđăng tại thành phố dầu mỏ Heglig ở vùng biên giới giáp Nam Xuđăng ngày 24/4. Ảnh: AFP/ TTXVN


Tuy nhiên, các tay súng thuộc Lực lượng quốc phòng nhân dân (PDF) của Xuđăng cho rằng, “chúng tôi không phải là những kẻ xâm lược, chúng tôi chỉ đang bảo vệ lãnh thổ của mình vì hiện nay lực lượng của chúng tôi đang đóng ở khu vực biên giới năm 1956” (Xuđăng lâu nay vẫn yêu cầu Nam Xuđăng phải thừa nhận được biên giới được xác định khi Xuđăng độc lập khỏi Anh và Ai Cập ngày 1/1/1956). Zaki al-Ahmad, một thành viên PDF còn cảnh báo “Nếu muốn tiến vào Nam Xuđăng thì giờ là lúc chúng tôi có thể, song đó không phải là kế hoạch của chúng tôi”. PDF tuyên bố sẽ duy trì sự hiện diện ở Nam Xuđăng cho đến khi “Xuđăng và biên giới của Xuđăng được an toàn”.

Trước đó, Tổng thống Xuđăng Omar al-Bashir đã đe dọa nghiền nát chính phủ Nam Xuđăng và tuyên bố thời gian đàm phán đã hết.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 25/4 cho biết, Zhong Jianhua, đại diện đặc biệt của chính phủ Trung Quốc trong các vấn đề châu Phi, sẽ sớm đến Xuđăng và Nam Xuđăng để thúc đẩy đối thoại và đàm phám giữa hai nước này. Trước đó, các đại sứ của Trung Quốc ở Xuđăng, Nam Xuđăng và phái đoàn thường trực của Trung Quốc ở Liên hợp quốc cũng đã nỗ lực làm trung gian hòa giải giữa hai nước Xuđăng.

Chính quyền Mỹ cũng kêu gọi hai nước quay trở lại bàn đàm phán. “Đã xảy những hành động khiêu khích không thể chấp nhận được khi Nam Xuđăng đã rút khỏi Heglig và đề xuất Khắctum nối lại thương lượng”, ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton chỉ trích chính quyền Xuđăng.

Trong một động thái gia tăng áp lực, Liên minh châu Phi (AU) ngày 24/4 đã trao cho Xuđăng và Nam Xuđăng thời hạn 3 tháng để đạt được một thỏa thuận hòa bình, hoặc đối mặt với những “biện pháp thích đáng”. Ủy ban An ninh của AU hối thúc hai bên giải quyết tranh cãi đối với các vấn đề về dầu mỏ và công dân, chấm dứt giao tranh và thỏa thuận phân định biên giới.

Minh Hằng
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN