Hai căn cứ Mỹ mà Iran chọn tấn công có gì đặc biệt ?

Iran đã phóng tên lửa vào hai căn cứ quân sự Mỹ tại Iraq vào ngày 8/1 để đáp trả vụ việc Mỹ sát hại chỉ huy đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Thiếu tướng Qasem Soleimani.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Mỹ tại căn cứ Al Asad. Ảnh: Getty Images

Hãng thông tấn Reuters (Anh) dẫn lời Lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei cho biết vụ tấn công tên lửa này là “cú tát thẳng vào mặt” nước Mỹ và quân đội Mỹ nên rời Trung Đông. Truyền thông nhà nước Iran cho biết đã phóng 15 tên lửa trúng các mục tiêu Mỹ.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc Jonathan Hoffman sau đó xác nhận 2 căn cứ trở thành mục tiêu tấn công từ tên lửa Iran là căn cứ không quân Ain-Asad và một căn cứ không quân ở Erbil, Iraq.

Căn cứ không quân Ain-Asad rộng đến mức quân đội Mỹ dựng được cả rạp chiếu phim, bể bơi, nhà hàng ăn nhanh và tuyến xe buýt nội bộ trong cơ sở này. Đài BBC (Anh) cho biết căn cứ không quân Ain-Asad được xây dựng trong thập niên 80 của thế kỷ trước dành cho quân đội Iraq, nằm trên sa mạc cách Baghdad 160 km về phía Tây.

Nhưng sau năm 2003, khi Mỹ đưa quân đến Iraq, Ain-Asad trở thành một trong những căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ và nhanh chóng bị thay đổi. Cơ sở này ấn tượng đến nỗi một số binh sĩ Mỹ đặt biệt danh cho cơ sở này là “Trại Bánh Cupcake”.

Mỹ rút khỏi Ain-Asad vào năm 2009 và 2010, căn cứ này được giao lại cho các lực lượng Chính phủ Iraq. Nhưng khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng kiểm soát tỉnh Anbar thì căn cứ Ain-Asad trở thành mục tiêu bị tấn công.

Khi binh sĩ Mỹ quay trở lại Iraq để tiêu diệt IS trong cùng năm, căn cứ Ain-Asad được tăng cường an ninh và tái xây dựng.

Ngày 26/12/2018, Tổng thống Trump đã đến thăm căn cứ Ain-Asad. Khi đó, nhà lãnh đạo Mỹ nói: “Những cô gái và chàng trai đóng quân tại Ain-Asad đã đóng vai trò quan trọng trong việc đánh bại IS tại Iraq và Syria”. Trong tháng 11/2019, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cũng đến thăm căn cứ Ain-Asad nhân dịp Lễ Tạ ơn.

Có khoảng 1.500 binh sĩ Mỹ và quân đồng minh đóng quân tại Ain-Asad và tổng cộng 5.000 binh sĩ Mỹ hiện diện tại Iraq. Vào đầu t háng 1, Quốc hội Iraq bỏ phiếu thông qua nghị quyết kêu gọi chính phủ tiến tới chấm dứt hiện diện của quân đội nước ngoài ở Iraq.

Đáp trả lại, Tổng thống Trump đã đề cập về chi phí dành cho căn cứ không quân Ain-Asad. Nhà lãnh đạo Mỹ nói: “Chúng tôi có một căn cứ không quân vô cùng đắt đỏ tại đó. Mất hàng tỷ USD để xây dựng căn cứ này. Từ trước cả nhiệm kỳ của tôi. Chúng tôi sẽ không rời đi trừ khi họ trả lại tiền”.

Căn cứ còn lại của Mỹ bị Iran tấn công nằm tại Irbil ở khu vực tương đối ổn định Kurdistan.
Trong tháng 9, quân đội Mỹ cho biết căn cứ tại Irbil này là nơi hơn 3.600 binh sĩ và lao động dân sự từ 13 quốc gia cùng công tác. Căn cứ Irbil là nơi được tận dụng để đào tạo lực lượng địa phương.

Hà Linh/Báo Tin tức
Thông tin trái chiều về kết quả cuộc tập kích tên lửa của Iran vào căn cứ quân sự Mỹ
Thông tin trái chiều về kết quả cuộc tập kích tên lửa của Iran vào căn cứ quân sự Mỹ

Hiện cả Mỹ và Iran đều có những thông báo mâu thuẫn về kết quả vụ tấn công bằng tên lửa nhằm vào các căn cứ quân sự Mỹ sử dụng tại Iraq.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN