Giao tranh tại Sudan: EU cam kết thúc đẩy giải pháp chính trị

Ngày 24/4, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại, ông Josep Borrell, cho biết EU sẽ tiếp tục thúc đẩy một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở Sudan, mặc dù hàng loạt quốc gia thành viên gấp rút sơ tán nhân viên ngoại giao và công dân ra khỏi quốc gia Bắc Phi này.

Chú thích ảnh
Ông Josep Borrell. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Phát biểu trước thềm hội nghị Ngoại trưởng EU, ông Borrell nhấn mạnh: "Chúng ta phải tiếp tục thúc đẩy một giải pháp chính trị. Không thể để tình hình ở Sudan bùng nổ vì điều đó sẽ gây ra những chấn động trên toàn châu Phi".

Theo ông Borrell, cuối tuần qua, hơn 1.000 công dân EU đã được sơ tán khỏi Sudan. Ngoài ra, 21 nhân viên ngoại giao thuộc phái bộ EU tại Khartoum đã rời nước này. Đại sứ EU tại Sudan vẫn đang có mặt ở quốc gia Bắc Phi, nhưng không còn ở thủ đô Khartoum.

Hiện một số quốc gia đang gấp rút thiết lập các chiến dịch cứu hộ để đưa công dân ra khỏi Khartoum, khu vực đang xảy ra giao tranh ác liệt. Ngày 23/4, Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ thông báo đã đóng cửa đại sứ quán nước này ở Khartoum và sơ tán các nhân viên ngoại giao cùng gia đình họ khỏi Sudan. Trên Twitter, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sĩ Ignazio Cassis nêu rõ phần lớn nhân viên ngoại giao được sơ tán đến CH Djibouti, số còn lại được sơ tán đến Ethiopia, với sự hỗ trợ của Pháp. 

Trong khi đó, quân đội Đức thông báo 3 máy bay vận tải A400M đầu tiên được điều động đến Sudan để sơ tán công dân đã về tới Jordan đêm 23/4. Sáng 24/4, một máy bay chở khách đón hơn 100 người từ điểm tập kết này đã trở về Berlin.

Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Đức cho biết tổng số 313 người - bao gồm cả công dân Đức và công dân nước ngoài, đã được đưa ra khỏi vùng xung đột ở Sudan tới Jordan an toàn. Theo người phát ngôn quân đội, vào 6h15 sáng 24/4 (giờ địa phương), chiếc máy bay A321 đầu tiên chở 101 người đã về đến Berlin. Theo Bộ Ngoại giao Đức, các chuyến bay sơ tán tiếp theo đã được lên kế hoạch và nếu tình hình an ninh cho phép, hoạt động cứu hộ sẽ tiếp tục được triển khai.

Cùng ngày 24/4, Bộ Quan hệ và hợp tác quốc tế Nam Phi (DIRCO) cho biết nước này đang tiến hành chiến dịch sơ tán 77 công dân đang mắc kẹt ở Sudan.

Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, các công dân Nam Phi đang bị mắc kẹt trong tình trạng thiếu dầu diesel hoặc điện và kết nối Internet không ổn định.

Trước đó, Pháp thông báo đã đưa 200 người thuộc nhiều quốc tịch đến Djibouti; Italy đã đưa tổng cộng khoảng 300 người ra khỏi vùng chiến sự; trong khi Ireland đang cử một lực lượng cứu hộ khẩn cấp đến hỗ trợ đón công dân. Hiện Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đang tiếp tục triển khai công tác sơ tán nhân viên sứ quán và gia đình họ khỏi Sudan. Một đoàn xe, trong đó có cả xe buýt của Liên hợp quốc (LHQ), cũng đã rời Khartoum di chuyển về phía Đông tới cảng Sudan trên Biển Đỏ. Tuy nhiên, hoạt động cứu hộ vẫn đang gặp nhiều khó khăn do giao tranh giữa các lực lượng sở tại. 

Chú thích ảnh
Khói bốc lên sau giao tranh tại Khartoum, Sudan, ngày 19/4/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Theo số liệu của LHQ, giao tranh giữa quân đội Sudan và nhóm bán quân sự Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RFS) từ ngày 15/4 đến nay đã gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo, khiến khoảng 420 người thiệt mạng, trên 3.700 người bị thương và hàng triệu người Sudan mắc kẹt không được tiếp cận các dịch vụ cơ bản.

Chính phủ Sudan cáo buộc RSF nổi loạn và tiến hành các cuộc không kích nhằm vào căn cứ quân đội. Tư lệnh Abdel Fattah Burhan, người đứng đầu quân đội Sudan, đã ban hành sắc lệnh giải tán RSF. Các bên đã đồng ý một thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 3 ngày bắt đầu từ hôm 21/4 trong dịp lễ Eid al-Fitr của đạo Hồi. Các nhà phân tích cho rằng giao tranh ở Khartoum có thể kéo dài và sẽ lan rộng. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo xung đột leo thang có thể tàn phá đất nước Sudan và khu vực.

Phan An - Phương Hoa - Hoàng Minh (TTXVN)
Tác động của cuộc xung đột ở Sudan với các nước láng giềng
Tác động của cuộc xung đột ở Sudan với các nước láng giềng

Những lo lắng đang gia tăng giữa các nước láng giềng của Sudan khi cuộc giao tranh tiếp diễn. Nam Sudan, Chad và Ai Cập đều phụ thuộc vào sự ổn định ở Sudan, cho dù đó là vì lý do kinh tế, nhân đạo hay an ninh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN