Gian nan nỗ lực xóa đói nghèo và bất bình đẳng

Khoảng cách giữa các quốc gia nghèo nhất hành tinh so với phần còn lại của thế giới đang ngày càng nới rộng và những nước này không thể vươn lên nếu không có được các thỏa thuận thương mại thuận lợi và nguồn viện trợ.

Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) đưa ra nhận định trên trong một báo cáo mới nhất.

Các nước LDC chật vật thoát nghèo

Theo báo cáo của UNCTAD, trong 45 năm kể từ khi Liên hợp quốc (LHQ) lập bản danh sách Các quốc gia kém phát triển nhất (LDC), mới chỉ có bốn nước là Botswana, Cape Verde, Maldives và Samoa thoát khỏi nhóm đói nghèo này. Trong khi đó, các nỗ lực thúc đẩy phát triển kinh tế ở 48 nước còn lại trong LDC vẫn rất "mờ nhạt".

UNCTAD cho biết gần 50% những người nghèo trên thế giới - được xác định là có mức thu nhập dưới 1,9 USD/ngày - hiện đang sống tại 48 quốc gia nghèo nhất. Tỷ lệ này đã tăng gấp đôi kể từ năm 1990.

UNCTAD cảnh báo hơn 40 quốc gia đói nghèo cùng cực trên đã rơi vào "vòng luẩn quẩn", trong đó tình trạng đói nghèo kéo dài đang cản trở khả năng tự vươn dậy của chính những nước này. Các quốc gia nghèo chỉ có thể phá vỡ được vòng luẩn quẩn kể trên với sự hỗ trợ về tài chính, thương mại và công nghệ từ cộng đồng quốc tế.

Các bé gái chơi đùa tại khu vực Hodeida, Yemen ngày 26/9. Ảnh: AFP/TTXVN

Năm 2011, cộng đồng quốc tế đặt ra mục tiêu đến năm 2020, có ít nhất 50% các quốc gia thuộc nhóm LDC đáp ứng được các tiêu chuẩn thoát nghèo. Tuy nhiên, mục tiêu này hiện được đánh giá là tham vọng và khó đạt được. Báo cáo của UNCTAD dự đoán trong những năm tới, chỉ có ba nước là Angola, Guinea Xích đạo và Vanuatu là có triển vọng thoát khỏi nhóm LDC.

Không những thế, theo báo cáo công bố hồi tháng Tám của Viện phát triển nước ngoài (ODI) của Anh, mục tiêu giảm tỷ lệ trẻ em nghèo đói mà các nhà lãnh đạo thế giới đề ra đến năm 2030 có nguy cơ không thể đạt được nếu cộng đồng quốc tế không đẩy mạnh các chương trình giáo dục và y tế, đặc biệt tại những khu vực nghèo đói ở châu Phi.

Báo cáo của ODI cho biết đến năm 2030, ước tính tới 88% số trẻ em có sinh hoạt phí dưới 1,9 USD/ngày tập trung tại khu vực Nam Sahara của châu Phi, tăng từ mức 50% hiện nay. Cụ thể, cứ năm trẻ em ở khu vực Nam Sahara thì có một trẻ em có mức sống dưới 1,9 USD/ngày. Với tỷ lệ này, trẻ em châu Phi sẽ chiếm tới 40% số người nghèo đói nhất thế giới vào năm 2030.

Bên cạnh đó, báo cáo "Chấm dứt nghèo cùng cực: Trọng tâm là Trẻ em" của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố hồi tháng Mười vừa qua cho biết trong năm 2013, có tới 19,5% trẻ em tại các quốc gia đang phát triển sống trong các hộ gia đình có mức thu nhập trung bình khoảng 1,9 USD/ngày/người. Tỷ lệ này ở trẻ em cao hơn nhiều so với tỷ lệ 9,2% ở người lớn. Trên toàn thế giới, trẻ em chỉ chiếm 30% tổng số người được khảo sát, song lại chiếm tới 50% số người nghèo cùng cực.

Tổ chức Oxfam hồi đầu năm nay đã công bố báo cáo cho hay nhóm 1% người giàu nhất thế giới sở hữu khối tàn sản lớn hơn tổng tài sản của phần dân số còn lại.

Theo báo cáo với tiêu đề "Nền kinh tế của 1%" của Oxfam, sự bất bình đẳng trong xã hội đã dẫn đến tình trạng nhóm 62 người giàu nhất thế giới đang sở hữu khối tài sản tương đương với toàn bộ tài sản của nhóm 3,5 tỷ người (50% dân số thế giới) nghèo nhất. Tính từ năm 2010, tài sản của nhóm 62 người này tăng 44% trong khi tài sản của nhóm còn lại giảm 41%. Điều này cho thấy một thực tế rằng dù các nhà lãnh đạo trên thế giới đang ngày càng chú ý tới vấn đề bất bình đẳng thu nhập song khoảng cách giữa nhóm những người giàu nhất thế giới và phần còn lại vẫn được nới rộng đáng kể trong thời gian qua.

Hy vọng từ các “Mạnh Thường Quân”

WB và LHQ đặt mục tiêu chấm dứt tình trạng nghèo cùng cực trước năm 2030, nhưng đang gặp khó khăn về vấn đề ngân sách. Để giải quyết vấn đề lien quan đến tài chính, WB kêu gọi thành lập các quỹ hỗ trợ với các khoản đầu tư của doanh nghiệp tư nhân.

Hưởng ứng lời kêu gọi trên, hơn 60 nhà tài trợ và chính phủ các nước gần đây đã cam kết cung cấp khoản tín dụng kỷ lục lên đến 75 tỷ USD dành cho IDA, quỹ tài chính của WB dành cho các nước nghèo nhất thế giới, nhằm chung tay chấm dứt tình trạng nghèo cùng cực.

WB cho biết khoản viện trợ bổ sung sẽ cho phép IDA triển khai các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm tại 75 quốc gia nghèo nhất thế giới nhằm giải quyết tình trạng xung đột, bạo lực, biến đổi khí hậu và bất bình đẳng giới. Khoản tín dụng này cũng sẽ giúp củng cố việc xây dựng thể chế cũng như năng lực điều hành của các nước nghèo, vốn là các mục tiêu mà WB hướng đến trong ba năm tới. Chủ tịch WB Jim Yong Kim khẳng định đây là bước đi quan trọng trong cuộc chiến xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực.

Theo WB, khoản tín dụng bổ sung kể trên có hiệu lực từ ngày 1/7/2017 đến 30/6/2020, và sẽ được sử dụng để hỗ trợ các dịch vụ y tế và dinh dưỡng cho 400 triệu người và chương trình an toàn thai sản cho hơn 11 triệu phụ nữ. Ngoài ra, khoảng 130-180 triệu trẻ em cũng sẽ được tiêm vaccine phòng bệnh và tiếp cận các dịch vụ tài chính. Để cấp vốn cho kế hoạch tham vọng này, IDA đã lần đầu tiên gây quỹ thông qua các thị trường cho vay cùng với đóng góp của các nhà tài trợ trong và ngoài WB.

Khánh Ly (Tổng hợp)
Tổng thống Mexico quyết chiến với đói nghèo
Tổng thống Mexico quyết chiến với đói nghèo

Tổng thống đắc cử Mexico, Enrique Pena Nieto khẳng định không thể chấp nhận một đất nước Mexico có hơn 50% số dân sống trong điều kiện nghèo khó và rất nhiều người trong số này đứng trước nguy cơ không có đủ lương thực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN